1. Nguồn năng lượng toàn cầu hiện tại vẫn còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Tính đến hết năm 2019, sản lượng khai thác và sản xuất năng lượng trên thế giới đạt mức 162.189 TeraWh[1] (TWh). Mặc dù trong thập niên gần đây, tỉ trọng các nguồn NLTT được khai thác có xu hướng tăng trưởng (nâng từ mức 8,3% năm 2010 lên 11,4% vào năm 2019), tuy nhiên có thể thấy trên thế giới, hiện tại phần lớn các nguồn năng lượng vẫn phụ thuộc phần nhiều (hơn 80%) vào nhiên liệu hóa thạch (hình 1) như dầu mỏ (33,1%), khí gas (24,2%) và than đá (27%).                   

Hình 1. Các nguồn năng lượng đã khai thác trên quy mô toàn cầu qua các năm

Nếu xét riêng về các nguồn điện đã khai thác, 62% nguồn năng lượng điện toàn cầu vẫn đang phụ thuộc vào nhiệt điện (hình 2), tuy nhiên sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch tạo ra điện (nhiệt điện dầu, khí, than …) đang có xu hướng suy giảm khi sản lượng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đang gia tăng theo thời gian (tăng từ mức 20,1% năm 2010 lên mức 27,3% năm 2019).

Hình 2. Các nguồn điện đã khai thác trên quy mô toàn cầu qua các năm

Mặc dù xu hướng chuyển đổi các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo đã manh nha từ lâu, tuy nhiên xu hướng này chỉ mới thực sự bùng nổ mạnh mẽ từ năm 2010 tới nay với tỉ trọng các nguồn năng lượng tái tạo mới như điện gió, điện mặt trời gia tăng nhanh chóng và đóng góp tỉ lệ ngày càng lớn hơn.

2. Năng lượng điện tái tạo toàn cầu tăng trưởng nhanh trong thập niên vừa qua.

Về bối cảnh các nguồn năng lượng điện tái tạo đang được khai thác, hiện nay sản lượng thủy điện của toàn thế giới đạt 4.222 TWh, tương đương với tỉ trọng 60,1% (giảm từ mức 98.1% năm 1965). Điện sinh khối có mức tăng trưởng nhẹ theo sản lượng tuy nhiên tỉ lệ đóng góp theo % ngày càng giảm. Điện gió và điện mặt trời, lần lượt đạt sản lượng 1.429 TWh và 724 TWh, đóng góp 20,3% và 10,3% vào hệ thống điện tái tạo trên toàn thế giới. Tính riêng trong giai đoạn 2010 – 2019, sản lượng sản xuất điện gió và điện mặt trời trên thế giới tăng lần lượt 3,12 và 20,47 lần (hình 3).

Hình 3. Thành phần các nguồn năng lượng tái tạo đã và đang được khai thác theo thời gian

Trên thế giới nói chung, nguồn điện NLTT đóng góp trung bình 15,7% tỉ trọng vào hệ thống điện toàn cầu. Mỹ và Trung Quốc lần lượt ghi nhận tỉ trọng điện NLTT là 16,7% và 14,9%. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam dẫn đầu trong cuộc đua phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo với tỉ trọng 15,2% trong hệ thống điện quốc gia, Thái Lan, Malaysia và Phillippines ghi nhận tỉ trọng lần lượt là 6,2%, 6% và 10,5% (hình 4). Như vậy hiện tại Việt Nam đang có một lợi thế tốt để bứt phá trong cuộc đua NLTT so với các quốc gia ASEAN nhờ các chính sách thúc đẩy NLTT mạnh mẽ trong thời gian qua.

Hình 4. So sánh tỉ trọng năng lượng tái tạo giữa các quốc gia

Tại Việt Nam, tổng công suất điện quốc gia năm 2020 đạt 69.258 MW, trong đó 2 nguồn điện lớn nhất là nhiệt điện than và thủy điện, chiếm tỉ trọng lần lượt là 29,5% và 29,9%. Như vậy, tương tự như tình hình chung trên thế giới, nhiệt điện (công suất nhiệt điện từ than, khí và dầu chiếm 42.5% toàn hệ thống) vẫn là trụ cột chính giải quyết nhu cầu tiêu thụ điện ở Việt Nam. Công suất điện mặt trời đạt 16.640 MW, chiếm 24% tổng hệ thống điện quốc gia (hình 5).

Hình 5. Sản lượng và cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam năm 2020

3. Mục tiêu nâng tỉ trọng điện NLTT lên mức 56% vào năm 2045.

Theo kịch bản cơ sở, ước tính tới năm 2030, nhu cầu tiêu thụ điện tại Việt Nam có thể đạt 551,3 TWh, tới năm 2045 mức tiêu thụ có thể tăng tới 977 TWh, tương đương mức tăng lần lượt là 123% và 296% so với hiện nay. Theo giai đoạn 5 năm, trung bình mức tăng trưởng nhu cầu điện được ghi nhận ở mức là 33% (hình 6).

Hình 6. Dự phóng kế hoạch tiêu thụ điện giai đoạn 2020-2045

Cơ cấu nguồn năng lượng được đề ra bởi Chính phủ (hình 7) thể hiện rõ xu hướng tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), thông qua việc nâng tỉ trọng của các nguồn điện như điện gió từ 1% lên 22% (2020 –2045), giảm bớt sự lệ thuộc vào nhiệt điện than và thủy điện (giảm từ 29.6% và 30% năm 2020 xuống còn 18% và 9,3% vào năm 2045).

Hình 7 Dự phóng cơ cấu các nguồn năng lượng giai đoạn 2020-2045

Tuy vậy, các chính sách và hoạch định của Bộ Công thương cũng khá cẩn trọng khi không tập trung toàn lực vào nguồn NLTT do loại hình năng lượng này vẫn còn khá mới ở Việt Nam, cũng như tránh giảm thiểu rủi ro bị thiếu hụt năng lượng, ảnh hưởng khả năng phát triển kinh tế. Do đó, cơ cấu nhiệt điện từ khí và dầu vẫn được giữ và nâng tỉ trọng (hình 7) để đảm bảo khả năng cung ứng hiệu quả cho nguồn điện quốc gia (tăng từ 13,1% năm 2020 lên 24% năm 2045).

4. Mục tiêu giảm tỉ trọng thủy điện và nâng tỉ trọng điện mặt trời, điện gió

Dự thảo Quy hoạch điện VIII chứng kiến sự thay đổi trong nhu cầu nhiệt điện than, với việc cơ cấu nguồn điện này bị cắt giảm từ 43% xuống 27% vào năm 2030. Thêm vào đó, chi phí nhập khẩu than, dầu cũng có phần tăng mạnh trong 5 năm vừa qua (trung bình tăng 14%/năm) cũng khiến cho chi phí đầu vào sản xuất tăng cao.

Hình 8. Dự phóng tổng sản lượng điện từ thủy điện

Sản lượng sản xuất thủy điện vừa và lớn của nước ta, tính tới năm 2020, đạt 17.930 MW trên tổng công suất khả dụng là 20.000 MW, trong khi đó sản lượng của thủy điện nhỏ là 3.200 MW (tổng công suất là 6.000 MW). Tính chung, ngành thủy điện đã hoàn tất khai thác 81% tiềm năng của ngành, như vậy có thể thấy ngành thủy điện trong giai đoạn 2020-2045 sẽ không phải là loại ngành được ưu tiên phát triển do tiềm năng khai thác đã gần cạn kiệt (hình 8).

Hình 9. Dự phóng sản lượng điện mặt trời

Trái ngược với xu hướng của nhiệt điện than và thủy điện, điện mặt trời và điện gió là hai mảng năng lượng điện được ưu tiên đầu tư và phát triển của nhà nước. Chi tiết, tỉ trọng nguồn điện của điện mặt trời trong lưới điện quốc gia đã được nâng từ 4% (theo kế hoạch Quy hoạch Điện VII) lên 17% (theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII) vào năm 2025, tương đương với mức tăng 4 lần so với kế hoạch ban đầu (hình 9). Điều đó cho thấy quyết tâm đón đầu nguồn năng lượng xanh của Chính phủ.

 

Hình 10. Tiềm năng khai thác điện gió đất liền

Dựa vào điều kiện khí hậu của Việt Nam, hiện tại điện gió và điện mặt trời là hai mảng năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn nhất để khai thác trong thời gian ngắn hạn cũng như dài hạn.

Tổng công suất của ngành điện gió được ước tính đạt tới 379.505 MW, trong đó điện gió đất liền chiếm 57% tổng công suất toàn ngành. Cụ thể, khu vực miền Trung được đánh giá có tiềm năng khai thác cao nhất, với diện tích đất phù hợp để khai thác lên tới 25.707 km2 và tiềm năng khai thác đạt 131.103 MW, kế sau đó là khu vực miền Nam với diện tích và công suất lần lượt là 14.438 km2 và 73.635 MW (hình 10).

Như vậy, năng lượng tái tạo đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của ngành năng lượng hiện nay ở Việt Nam. Khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ ngày càng trở nên cạn kiệt, gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng, buộc các quốc gia phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng sạch và bền vững. Với tiềm năng sẵn có, phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững, do lợi ích to lớn trong việc tận dụng tối đa nguồn thiên nhiên (năng lượng gió, mặt trời…), cũng như góp phần giảm tác động của hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu gây ra.

 

Tham khảo: Tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu, số liệu.

+ Bộ công Thương (https://moit.gov.vn/)

+ Tạp chí Năng lượng Việt Nam (https://nangluongvietnam.vn/)

+ Viện Năng Lượng (http://ievn.com.vn/)

+ EVN (https://www.evn.com.vn/)

CEFD - 2022


[1] 1 TeraWh = 1 triệu MegaWh