Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1970/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đến năm 2030 tự động hóa đạt trên 95% đối với các trạm khí tượng
Hình thành thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn
Mục tiêu chung đến năm 2030 phát triển ngành khí tượng thủy văn của Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á; đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; hình thành và phát triển được thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực.
Đến năm 2045 phát triển ngành khí tượng thủy văn của Việt Nam có trình độ, năng lực tương đương các nước phát triển trên thế giới.
Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030 tự động hóa đạt trên 95% đối với các trạm khí tượng, trạm đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao; phát triển, hoàn thiện mạng lưới trạm khí tượng thủy văn phục vụ nhu cầu của bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực có liên quan; 100% công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn được thực hiện quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật.
Độ tin cậy dự báo đạt 80-85%
Về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, Chiến lược phấn đấu dự báo khí tượng thuỷ văn hàng ngày trong điều kiện bình thường có độ tin cậy đạt 80-85%. Dự báo đủ độ tin cậy quỹ đạo và cường độ áp thấp nhiệt đới trước 2-3 ngày; tăng thời hạn cảnh báo quỹ đạo và cường độ bão trước 3-5 ngày.
Dự báo, cảnh báo lũ đủ độ tin cậy cho các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ trước 2-3 ngày, ở Trung Bộ trước 1-2 ngày, ở Nam Bộ trước 10 ngày; tăng chất lượng dự báo định lượng mưa lớn trước 2-3 ngày lên thêm 5-10% so với năm 2020; cảnh báo đủ độ tin cậy lũ quét, sạt lở đất trước 6-24 giờ; tăng thời hạn dự báo thời tiết đến 10 ngày, cảnh báo xu thế diễn biến một số hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đến 1 tháng, cảnh báo hiện tượng ENSO và tác động đến Việt Nam, hạn hán, xâm nhập mặn từ 3 tháng đến 1 năm.
Đồng thời, cung cấp 100% thông tin phân vùng thiên tai, rủi ro thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu, tài nguyên khí hậu, tài nguyên nước phục vụ việc xây dựng, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự án trọng điểm của quốc gia.
Giải pháp mà Chiến lược đưa ra là hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, tăng cường quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, nâng cao năng lực công nghệ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; đẩy mạnh xã hội hoá, thương mại hóa, xây dựng và hình thành thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn; phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường họp tác quốc tế khí tượng thủy văn…
Vũ Phương Nhi
Nguồn: https://m.baochinhphu.vn/story.aspx?did=453880