Những năm qua, Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã sáng tạo, vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, khẳng định được vị trí trong công tác nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ; phối hợp ngành khí tượng thủy văn và môi trường thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, phát triển thành tựu, hoạt động khoa học công nghệ. Qua đó, Trung tâm trở thành đầu mối có uy tín và năng lực cùng tư vấn nước ngoài thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng.

 

Nghiên cứu khoa học tại Trung tâm

          Điển hình khi tham gia dự án “Hỗ trợ kỹ thuật tích hợp hệ thống, thiết kế hệ thống dự báo và cảnh báo sớm”, Trung tâm đã lập ý tưởng, thiết kế, giám sát cho hệ thống Cơ sở dữ liệu trung tâm của ngành Khí tượng thủy văn, đặt nền móng cho việc tích hợp cơ sở dữ liệu, hiện đại hóa ngành và từng bước tăng cường chất lượng dự báo.

          Cùng với đó, Trung tâm đã lập ý tưởng, hỗ trợ Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ TN&MT thiết lập hệ thống dự báo và cảnh báo trên nền tảng Delft-FEWS. Đây là một hệ thống hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế, hỗ trợ công tác dự báo thủy văn, hải văn. Đồng thời, nền tảng tích hợp các lưu vực sông còn lại, đảm bảo sự thống nhất trong vận hành công tác dự báo nghiệp vụ khí tượng thủy văn.

          Trung tâm tham gia đề xuất thiết kế hệ thống siêu máy tính, đưa hệ thống tính toán của Tổng cục Khí tượng thủy văn trở thành hệ thống hàng đầu Việt Nam, hỗ trợ đắc lực cho việc mô phỏng các bài toán dự báo quy mô vừa và địa phương.

          Từ năm 2018 đến năm 2020, Trung tâm đã phối hợp, hỗ trợ Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ TN&MT trong triển khai hệ thống mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam thuộc dự án Tăng trưởng xanh và Mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên nước và tăng cường công tác điều phối việc vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và lưu vực sông Cả. Các hỗ trợ của Trung tâm đảm bảo tính khoa học và thực tiễn cao.

       Trong giai đoạn 2015 - 2020, cùng với các hoạt động nghiên cứu khoa học và dịch vụ, Trung tâm tích cực hợp tác và hỗ trợ Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên cũng như các đơn vị nghiên cứu khác trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu. Theo đó, Trung tâm đã chủ trì, tham gia triển khai 12 Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và 3 Hợp đồng đề tài nhánh cấp Nhà nước; 1 Đề tài nghiên cứu cấp Bộ; 1 Đề tài nghiên cứu cấp tỉnh; 4 Đề tài nghiên cứu cấp Đại học quốc gia; 2 Đề tài nghiên cứu cấp Trường và nhiều nhiệm vụ thiết thực với địa phương.

       Thông tin, giới thiệu, công bố và chuyển giao thông tin khoa học về khí tượng thủy văn là hoạt động nổi bật của Trung tâm. Trong giai đoạn 2015 - 2020, đội ngũ cán bộ Trung tâm và cộng tác viên của Trung tâm đã công bố được 13 bài báo trên Tạp chí Quốc tế, trong đó, 9 bài báo thuộc danh mục ISI/Scopus, 4 bài báo không thuộc danh mục ISI/ Scopus); 17 báo cáo tại hội thảo Quốc tế; 52 bài báo trên tạp chí Quốc gia, 3 báo cáo tại hội thảo trong nước; 3 sách chuyên khảo; 1 sở hữu trí tuệ; 1 sản phẩm khoa học công nghệ khác.

       Giám đốc Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường, PGS.TS Trần Ngọc Anh cho biết, thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường năng lực để tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên ngành tài nguyên và môi trường để nâng cao chất lượng sản phẩm khoa học công nghệ về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, môi trường, tài nguyên nước và hoạt động dịch vụ chuyên ngành liên quan trực tiếp tài nguyên và môi trường.

       Với thành tích nỗ lực đạt được trong phối hợp công tác, nhất là lĩnh vực khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, môi trường, Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường được Hiệu trưởng Trường Đại học quốc gia Hà Nội thống nhất đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xét tặng Bằng khen. Đây là động lực để Trung tâm tiếp tục đầu tư phát triển và hiệu quả hơn trong phối hợp công tác.

-----
Nguồn: Báo Tài nguyên & Môi trường
https://baotainguyenmoitruong.vn/chu-trong-nang-cao-chat-luong-san-pham-khcn-khi-tuong-thuy-van-315537.html