Dự án “Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)”, gọi tắt là Dự án quản lý Khai thác Cát Bền vững, được tài trợ bởi Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) - BMU thông qua WWF-Việt Nam, do Tổng cục Phòng, chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn làm chủ dự án. Dự án được thực hiện tại 13 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong 5 năm (2019 - 2023) với mục tiêu cụ thể là:

  1. Xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng cát cho ĐBSCL với sự phối hợp cùng các đối tác quan trọng;
  2. Tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của việc khai thác cát và sỏi không bền vững, làm gia tăng thiên tai ở ĐBSCL;
  3. Tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát, sỏi và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng;
  4. Xây dựng các khuyến nghị, hướng dẫn về khai thác cát sỏi bền vững và lồng ghép trong chính sách phòng chống thiên tai và phát triển bền vững ở ĐBSCL.

Gói tư vấn “Xây dựng ngân hàng cát trên toàn đồng bằng cho Đồng bằng sông Cửu Long” là một trong hai gói tư vấn quan trọng của Dự án quản lý Khai thác Cát Bền vững, được xem là những nghiên cứu đầu tiên về đề tài này ở quy mô toàn đồng bằng.

Mục tiêu của nghiên cứu là xác định ngân hàng cát hiện tại với tầm nhìn đến năm 2030-2050 (trữ lượng cát hiện có ở trong sông, lượng cát đổ về đồng bằng từ thượng nguồn, khối lượng cát khai thác trong đồng bằng, di chuyển/biến động, bồi tụ và lượng cát trao đổi với biển); ghi lại biến động theo mùa của dòng chảy và liên kết với vận chuyển cát và hình thái động lực học.

Chương trình tập huấn và thực hành khảo sát thực địa diễn ra trong 2 ngày 28 và 29 tháng 03 năm 2022 theo hình thức trực tiếp, với sự tham gia của các học viên đến từ các cơ quan: Tổng cục Phòng chống Thiên Tai (Bộ NN&PTNT), Tổng cục Địa chất Khoáng sản (Bộ TNMT), sở Tài nguyên Môi trường và sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 13 tỉnh ĐBSCL, WWF-Việt Nam, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam và liên danh tư vấn. Nội dung của chương trình tập huấn và thực hành khảo sát thực địa cụ thể như sau:

  1. Ngày 28 tháng 03 năm 2022 gồm các nội dung chính: Phương pháp và kế hoạch quan trắc các yếu tố thủy động lực và bùn cát; Quan trắc sự di chuyển của đụn cát đáy và trữ lượng cát đáy.
  2. Ngày 29 tháng 03 năm 2022, các học viên tham gia theo dõi và thực hành vận hành thiết bị quan trắc các yếu tố thủy động lực, bùn cát và quan trắc sự di chuyển của đụn cát đáy và trữ lượng cát đáy.

Sáng ngày 28 tháng 03 phát biểu khai mạc chương trình, ông Lê Quang Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế - Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã nêu tầm quan trọng của dự án cũng như sự cần thiết của chương trình tập huấn và thực hành khảo sát.

Ông Lê Quang Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế - Tổng cục Phòng, chống thiên tai, phát biểu khai mạc chương trình

Trong nội dung đầu tiên, đại diện đơn vị tư vấn – tổ chức chương trình tập huấn, ông Nguyễn Nam Đức đã trình bày nội dung về Phương pháp và kế hoạch quan trắc các yếu tố thủy động lực và bùn cát. Trong nội dung trình bày, ông Đức đã nêu rõ mục tiêu và nguyên lý quan trắc các yếu tố thủy động lực và bùn cát bao gồm: mực nước, lưu lượng, nồng độ trầm tích lơ lửng và mẫu bùn cát đáy. Tiếp theo, ông Đức đã giới thiệu các thiết bị cũng như hướng dẫn vận hành thiết bị và xử lý số liệu.

Ông Nguyễn Nam Đức – Đại diện đơn vị tư vấn trình bày nội dung về phương pháp và kế hoạch quan trắc các yếu tố thủy động lực và bùn cát

Tiếp theo chương trình là nội dung Quan trắc sự di chuyển của đụn cát đáy và trữ lượng cát đáy. Ông Trần Minh Dũng – chuyên gia của đơn vị tư vấn đã trình bày mục tiêu, nguyên lý quan trắc dự di chuyển của đụn cát đáy và trữ lượng cát đáy. Ông Dũng đã giới thiệu các thiết bị quan trắc hiện đại đã được lựa chọn để phục vụ dự án cũng như cách thức xử lý dữ liệu sau khi đo đạc.

Ông Trần Minh Dũng – Đại diện đơn vị tư vấn vấn trình bày nội dung về quan trắc sự di chuyển của đụn cát đáy và trữ lượng cát đáy

Các câu hỏi và ý kiến đóng góp đã được các đại diện từ các đơn vị tham gia Chương trình tích cực gửi đến cho đơn vị tư vấn. Thay mặt đơn vị tư vấn, các ông Nguyễn Nam Đức, Trần Minh Dũng, Trần Ngọc Anh và Sepehr Eslami tiếp thu và giải đáp rõ ràng.

PGS.TS. Trần Ngọc Anh - Đại diện đơn vị tư vấn, trả lời các câu hỏi của học viên

Ông Sepehr Eslami - Đại diện đơn vị tư vấn, trả lời các câu hỏi của học viên

Các học viên và đại diện của các đơn vị tham gia chương trình tập huấn chụp ảnh lưu niệm

Sáng ngày 29 tháng 03 năm 2022, tại trạm thủy văn Mỹ Thuận, tỉnh Vĩnh Long, học viên đã được tham gia nội dung thực hành khảo sát thực địa. Trong nội dung thực hành, các học viên được tham gia sử dụng thiết bị: máy ADCP quan trắc lưu lượng tự động, máy LISST quan trắc chất lượng nước tự động, Lấy mẫu bùn cát tầng đáy bằng dụng cụ lấy mẫu chuyên dụng; quan trắc sự di chuyển của đụn cát đáy bằng thiết bị MBES và trữ lượng cát đáy. Dưới đây là một số hình ảnh của buổi thực hành khảo sát thực địa.

Thực hành quan trắc các yếu tố thủy động lực và bùn cát bằng thiết bị ADCP, LISST và cuốc lấy mẫu

Thực hành quan trắc sự di chuyển của đụn cát đáy bằng thiết bị EdgeTech 6205s Components

Thực hành quan trắc trữ lượng cát đáy bằng thiết bị đo địa chấn tầng nông đáy (sub-bottom profiling)

Nghiên cứu “Xây dựng ngân hàng cát trên toàn đồng bằng cho Đồng bằng sông Cửu Long” do liên danh thư vấn Viện nghiên cứu Deltares (Hà Lan) và Trung tâm Động lực học Thủy Khí Môi trường thực hiện. Cùng với sự tham gia của 03 nhà thầu phụ là: Viện giáo dục chuyên ngành Tài nguyên nước IHE Delft (Hà Lan), Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ và Công ty cổ phần kỹ thuật xây dựng Solid.

- Nhà tài trợ: Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế của Chính phủ Đức thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF).

- Cơ quan Chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Chủ dự án: Tổng cục Phòng, chống thiên tai.

- Địa điểm thực hiện: Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long).

- Tổng kinh phí: 489.919,89 EUR. Trong đó, phần thực hiện của CEFD là 236.252,63 EUR.

- Thời gian thực hiện: Tháng 01/2022-T3/2023.

 

CEFD-2022