Dự báo dòng chảy (lũ/kiệt) trong điều kiện thiếu/không có số liệu quan trắc ứng dụng cho lưu vực sông Mê Kông
Khi việc sử dụng các số liệu vệ tinh trong dự báo khí tượng, thời tiết ngày càng phổ biến tuy nhiên nhiều lưu vực đang nằm trong tình trạng thiếu số liệu hoặc không có các trạm quan trắc mặt đất đã hạn chế khả năng dự báo khí tượng thủy văn. Bên cạnh đó, khi các hồ chứa trên lưu vực sông ngày càng được xây dựng nhiều hơn đã ảnh hưởng tới vấn đề dự báo dòng chảy của sông. Thực tế đó đã đặt ra một nhiệm vụ cấp bách trong việc xác lập phương pháp ứng dụng các công nghệ hiện đại, tích hợp các nguồn số liệu để dự báo thủy văn phục vụ quản lý tài nguyên nước các lưu vực sông lớn trong điều kiện thiếu/không có tài liệu quan trắc khí tượng thủy văn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và sự vận hành của các hồ chứa” - đó là phát biểu của PGS.TS Trần Ngọc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên kiêm Giám đốc Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường (CEFD) thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ nhiệm nhiệm vụ Nghị định thư Việt Nam - Liên bang Nga “Xây dựng cơ sở phương pháp luận và công nghệ quản lý tài nguyên nước các lưu vực sông trong điều kiện thiếu/không có số liệu quan trắc về khí tượng thủy văn ứng dụng cho lưu vực sông Mê Kông” tại hội thảo “Phương pháp luận dự báo dòng chảy (lũ/kiệt) trong điều kiện thiếu/không có số liệu quan trắc, ứng dụng cho lưu vực sông Mê Kông” diễn ra ngày 2/4/2021.
PGS.TS Trần Ngọc Anh chia sẻ, nhóm nghiên cứu của ông chọn lưu vực sông Mê Kông để ứng dụng công nghệ bởi lẽ đây là một dòng sông có tầm quan trọng lớn đối với môi trường và kinh tế - xã hội của nước ta, nhưng nó lại đang thiếu khá nhiều dữ liệu trên các lưu vực của sông và ngày càng có nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng trên lưu vực con sông này.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên chia sẻ: Đồng bằng Sông Cửu Long có một vị trí chính trị - xã hội vô cùng quan trọng đối với đất nước ta. Đối với đồng bằng Sông Cửu Long, dòng sông Mê Kông như một mạch máu của cả khu vực. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước của lưu vực sông Mê Kông hiện nay đang chịu thách thức lớn của biến đổi khí hậu cũng như chịu tác động từ những công trình, dự án xây dựng đập thủy điện chắn nước trên lưu vực sông cả trong và ngoài nước. Trong bối cảnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao nhiệm vụ NĐT.58.RU/19 cho PGS.TS. Trần Ngọc Anh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên làm chủ nhiệm với mục tiêu cung cấp công cụ tiên tiến để dự báo về khí tượng và thủy văn ở lưu vực sông các dòng sông trong điều kiện thiếu hoặc không có dữ liệu quan trắc áp dụng cho lưu vực sông Mê Kông. Cho tới nay, dự án đã đi được gần nửa chặng đường, trong thời gian đó với sự nỗ lực của các nhà khoa học, các nghiên cứu viên cũng như của các đơn vị hỗ trợ, nhiệm vụ đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.
Đại diện các nhóm nghiên cứu trong đề tài đã trình bày kết quả nghiên cứu của mình trong suốt thời gian vừa qua bao gồm các nội dung: rà soát hiện trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu mở; xây dựng mô hình thủy văn thông số phân bố lưu vực sông Mê Kông; đánh giá khả năng mô phỏng dòng chảy từ các nguồn số liệu mưa vệ tinh (mưa lưới) trên lưu vực sông Mê Kông; ứng dụng công nghệ AI. Theo ông Lê Ngọc Quyền, sản phẩm của đề tài có nhiều điểm mới, đặc biệt là đã ứng dụng được công nghệ AI. Ông đánh giá nếu sản phẩm thành công sẽ có ý nghĩa rất lớn với công việc dự báo cho Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó có ý nghĩa to lớn đối với vấn đề an ninh lương thực của đất nước và Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ rất sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nhiệm vụ này.
PV
Nguồn: https://vjst.vn/vn/tin-tuc/4434/du-bao-dong-chay-lu-kiet-trong-dieu-kien-thieu-khong-co-so-lieu-quan-trac-ung-dung-cho-luu-vuc-song-me-kong.aspx