Hiện nay, nghiên cứu về rủi ro có nhiều hướng khác nhau dựa trên việc chọn các yếu tố để đánh giá. Tuy nhiên, các thuật ngữ liên quan đến rủi ro giữa các ngành, lĩnh vực [1] nghiên cứu vẫn còn nhiều định nghĩa, giải thích khác nhau. Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên thường sử dụng khái niệm rủi ro (risk) trong khi các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội thường sử dụng thuật ngữ tính dễ bị tổn thương (vulnerability). Rủi ro lũ, ngập lụt được định nghĩa là mức độ nguy hiểm của thiên tai lũ, ngập lụt hay là các thiệt hại ngẫu nhiên của thiên tai lũ, ngập lụt. Trong vài thập kỷ qua, phân tích lũ, ngập lụt tập trung chủ yếu vào các đại lượng vật lý (lượng ngập, diện tích ngập, độ sâu ngập,...) và thiệt hại trực tiếp của các thành phần kinh tế do lũ, ngập lụt gây ra. Tuy nhiên, trong những năm gần đây phân tích rủi ro lũ, ngập lụt cũng đã tính đến rủi ro môi trường - xã hội – đây là hướng tiếp cận quản lý tổng hợp lũ [1]. Cùng với khái niệm thì phương pháp đánh giá rủi ro cũng ngày càng phát triển đa dạng. Các phương pháp này có thể nhóm lại theo hai hướng: trực tiếp - mang tính định tính và gián tiếp - mang tính định lượng (thông qua bộ chỉ số). Mỗi phương pháp đánh giá có những ưu, nhược điểm riêng.

Trong dự án Tăng cường hỗ trợ ứng phó với Thiên tai vùng ven biển Việt Nam [2], nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp đánh giá định tính cho các cơ sở hạ tầng quan trọng. Theo đó, kết quả của phương pháp định tính sẽ cho thấy mức độ tác động của lũ, ngập lụt đến các đối tượng cơ sở hạ tầng theo các cấp độ thấp, trung bình, cao và rất cao. Như vậy, trên một khu vực nhất định, với việc phân cấp thống nhất các biến trong đánh giá rủi ro thì có thể so sánh được mức độ rủi ro của các đối tượng. Phương pháp đánh giá định lượng tỏ ra ưu thế hơn trong việc ước lượng giá trị kinh tế bị rủi ro và giải quyết vấn đề so sánh mức độ rủi ro các đối tượng ở các khu vực khác nhau nhằm cung cấp thông tin để các nhà hoạch định lựa chọn khu vực ưu tiên đầu tư. Trong tài liệu [2] đã sử dụng phương pháp định lượng này để đánh giá rủi ro về kinh tế cho 12 loại sử dụng đất và ảnh hưởng đến con người. Tại nghiên cứu phương pháp đánh giá rủi ro lũ, ngập lụt, một số kết quả ứng dụng trên lưu vực sông Cái Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nhóm tư vấn CEFD áp dụng phương pháp đánh giá rủi ro định tính và định lượng cho lưu vực sông Cái Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hai phương pháp trình bày tóm tắt như bảng sau:

Đánh giá rủi ro định tính

Phương pháp kết hợp của ba yếu tố cơ bản: R=f(H,V,E) ) [2]trong đó R là rủi ro, H là hiểm họa, V là tính dễ tổn thương và E là phơi lộ.

Phương pháp đánh giá rủi ro định tính tập trung đánh giá mức độ rủi ro cho các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu gồm:

- Công trình thủy lợi: hồ chứa, đập dâng, đê, kè, kênh, mương;

- Công trình thủy điện: hồ chứa thủy điện, công trình điều tiết dòng chảy trên dòng chính;

- Công trình giao thông: tuyến đường bộ và đường sắt;

- Công trình công cộng: bệnh viện, trường học.

 

Đánh giá rủi ro định lượng

Phương pháp tiếp cận đường cong thiệt hại cung cấp đánh giá rủi ro định lượng có thể được chuyển đổi trong thiệt hại kinh tế. Cách tiếp cận được áp dụng để xác định thiệt hại kinh tế là:

- Xác định giá trị đơn giá kinh tế (VNĐ/m2) của các lớp kinh tế;

- Điều chỉnh lạm phát bằng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI);

- Tính toán thiệt hại kinh tế.

Thiệt hại kinh tế dự kiến hàng năm có thể được tính cho các lớp kinh tế sử dụng công thức:

AEEL D x UEV

Trong đó: AEEL = Thiệt hại kinh tế dự kiến hàng năm (tỷ đồng); D = Rủi ro (không có đơn vị); và UEV = Giá trị kinh tế đơn vị (VNĐ/m2).

 


Hình 1. Sơ đồ cách tiếp cận đánh giá rủi ro định lượng

Áp dụng phương pháp đánh giá rủi ro trên lưu vực sông Cái Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với hiểm họa (H) là bản đồ độ sâu ngập theo các kịch bản khác nhau, tính dễ bị tổn thương (V) của các các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, độ phơi lộ (E) là mức độ tác động của ngập lụt lên các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, các lớp kinh tế tính theo các loại đất trong bản đồ sử dụng đất, giá trị kinh tế (UEV) là giá trị kinh tế đất. Tính toán thu được một số kết quả như sau:

- Kết quả đánh giá rủi ro định tính: Các công trình có nguy cơ rủi ro cao như công trình thủy lợi (công trình đê kè, cống thoát nước thuộc huyện Diên Khánh và Nha Trang), công trình giao thông (tuyến đường QL 1A qua huyện Diên Khánh, QL 1C qua TP Nha Trang, TL 8 qua huyện Diên Khánh), công trình công cộng (trường học, bênh viện khu vực phía Tây, phía Bắc TP. Nha Trang; khu vực sông Quán Trường, sông Tắc; TT Diên Khánh).

- Kết quả đánh giá rủi ro định lượng: số người bị ảnh hưởng bởi ngập lụt trên toàn lưu vực khoảng hơn 206.285 người với các kịch bản hiện trạng và khoảng 217.763 người với kịch bản tương lai 2025, đến thời điểm năm 2035 dự kiến số người bị ảnh hưởng bỏi lũ lụt trung bình khoảng hơn 244.639 và đến năm 2050 dự kiến có trung bình khoảng hơn 255.770 người. Đối với tính toán rủi ro kinh tế, mức độ thiệt hại đối với kịch bản theo tần suất lũ từ  11,6  nghìn tỷ VNĐ đến hơn 15,7 nghìn tỷ VNĐ. Trong các kịch bản tương lai (xét trong bối cảnh tác động của Biến đổi khí hậu), mức độ thiệt hại tăng cao khoảng hơn 29.900 tỷ VNĐ, nhưng với thời điểm này thì mức độ thiệt hại chủ yếu đến từ loại hình sử dụng đất cho Cơ sở hạ tầng thiết yếu với khoảng hơn 12 nghìn tỷ VNĐ chiếm khoảng hơn 35,5% thiệt hại toàn lưu vực. Xét tính toán đến rủi ro thiệt hại hàng năm theo các kịch bản cơ sở thì trung bình toàn lưu vực khoảng 12,3 tỷ/năm.

Hình 2. Bản đồ minh họa rủi ro lũ, ngập lụt lưu vực sông Cái Nha Trang

 

a) Giá trị rủi ro theo đơn vị hành chính
(đơn vị: tỷ VNĐ)

b) Tỷ lệ các lĩnh vực chịu rủi ro

Hình 3. Một số kết quả rủi ro lũ lụt tổng hợp theo địa phương và lĩnh vực trên
lưu vực sông Cái Nha Trang

Từ kết quả đánh giá rủi ro sẽ giúp đề xuất các giải pháp thích ứng, ứng phó (bao gồm các giải pháp về công trình và phi công trình) với lũ, ngập lụt trong bối cảnh BĐKH trên lưu vực sông Cái Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

 

Tài liệu tham khảo:

[1]

Nguyễn Thanh Sơn và nnk, "Đánh giá mức độ tổn thương về kinh tế - xã hội do lũ lụt trên một số lưu vực sông chính ở miền Trung trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khai thác công trình thủy điện, thủy lợi, mã số BĐKH-19," 2015.

[2]

World Bank, "Báo cáo Dự án Tăng cường hỗ trợ ứng phó với Thiên tai vùng Ven biển Việt Nam," 2019.

 

CEFD