Hội thảo chuyên môn “Bố trí không gian giải pháp chống bồi lấp, giải pháp chuyển cát cửa sông có cảng cá, khu neo đậu miền Trung”
Nằm trong khuôn khổ đề tài trọng điểm Bộ Nông nghiệp & PTNT “Nghiên cứu ứng dụng giải pháp chuyển cát, chống bồi lấp cho các cửa sông Miền Trung”, do PGS. TS. Trần Thanh Tùng làm chủ nhiệm, ngày 19/10/2023 tại Hà Nội, Trường Đại học Thủy lợi đã tổ chức Hội thảo chuyên môn “ Bố trí không gian giải pháp chống bồi lấp, bẫy cát cửa sông có cảng cá, khu neo đậu miền Trung”. Hội thảo tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp về các giải pháp chỉnh trị, chống bồi lấp và bẫy cát tại các cửa sông có cảng cá, khu neo đậu miền Trung như: Cửa Sót (Hà Tĩnh); Cửa Tùng (Quảng Trị); Cửa Tư Hiền (Thừa Thiên Huế); Cửa Tam Quan, cửa Đề Gi, cửa An Dũ (Bình Định); cửa Đà Nông (Phú Yên). Buổi hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo và chuyên viên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ban chủ nhiệmđề tài; lãnh đạo, nhà khoa học, thầy cô giáo của Trường Đại học Thủy Lợi và Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội.
Đề tài được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá hiện trạng, nguyên nhân bồi lấp của các cửa sông có cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền ở khu vực miền Trung; đồng thời đề xuất và đánh giá được khả năng ứng dụng giải pháp chuyển cát, chống bồi lấp cho các cửa sông có cảng cá, khu neo đậu ở khu vực miền Trung. Thông qua đó Đề tài đã thiết kế được bộ giải pháp chuyển cát, chống bồi lấp cửa sông (áp dụng tại một số cửa sông điển hình như cửa Tam Quan – Bình Định) góp phần chống bồi lấp cửa sông, phục vụ tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp tại địa phương. Bám sát mục tiêu và nội dung đã được thực hiện trong thời gian qua, hội thảo đã trình bày chi tiết các vấn đề sau:
- Tổng quan về mục đích, kết quả thực hiện năm 2022 – 2023 (người báo cáo: PGS.TS Trần Thanh Tùng);
- Phân tích nguyên nhân cơ chế diễn biến bồi lấp một số cửa sông có cảng cá khu neo đậu ở miền Trung (người báo cáo: PGS.TS Trần Thanh Tùng);
- Nghiên cứu đề xuất giải pháp chống bồi lấp một số cửa sông có cảng cá, khu neo đậu điển hình ở miền Trung (người báo cáo: PGS.TS Lê Hải Trung; Ths. Nguyễn Trường Duy);
- Kết quả mô phỏng thủy động lực, vận chuyển bùn cát 3 cửa sông và đánh giá các giải pháp chống bồi lấp đã nêu trên (TS. Nguyễn Quang Đức Anh, ThS. Mai Duy Khánh).
Trong buổi hội thảo ban chủ nhiệm đề tài, đại diện GS.TS Trần Thanh Tùng đã có phát biểu nêu rõ bối cảnh chương trình và mong nhận được ý kiến đóng góp xây dựng nội dung Đề tài. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện trường Đại học Thủy Lợi và các nhà khoa học tham dự đã đưa ra những ý kiến góp ý cụ thể cho từng nội dung của hội thảo “Bố trí không gian giải pháp chống bồi lấp, giải pháp chuyển cát cửa sông có cảng cá, khu neo đậu miền Trung”.
PGS.TS Trần Thanh Tùng – Chủ nhiệm đề tài, Đại học Thủy Lợi báo cáo tổng quan đề tài |
PGS.TS Lê Hải Trung trình bày Đề xuất giải pháp chống bồi lấp tại một số cửa sông điển hình |
ThS. Mai Duy Khánh trình bày kết quả mô phỏng thủy động lực, VCBC tại các cửa sông điển hình |
PGS.TS. Nguyễn Kiên Quyết – Đại học Công nghệ Giao thông vận tải phát biểu tại hội thảo |
Nhìn chung, Hội thảo đã phát huy sự tham gia, gắn kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học với các nhà quản lý tại địa phương trong thực hiện và định hướng triển khai kết quả đề tài; giúp cho nhóm thực hiện đề tài hoàn thiện hơn các nội dung nghiên cứu của đề tài.