Hội thảo khoa học “Động lực học ven bờ”
Việt Nam có một đường bờ biển dài và là quốc gia biển. Các vấn đề như phát triển kinh tế, du lịch, thu hút đầu tư,… trong khu vực ven biển Việt Nam hiện nay đang được chú trọng hơn bao giờ hết, một trong những cơ sở quan trọng để khai thác hiệu quả là có được kết quả khảo sát và nghiên cứu khoa học cho vùng ven bờ này. Với yêu cầu ngày càng lớn như vậy, ngày 24/3/2021, Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Động lực biển ven bờ” với sự tham gia của các chuyên gia như PGS.TS. Trần Ngọc Anh, PGS.TS. Nguyễn Minh Huấn, PGS.TS. Trần Quang Đức, TS. Nguyễn Đức Tuấn, TS. Nguyễn Kim Cương và các cán bộ của phòng Nghiên cứu & Dịch vụ (NCDV). Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu trao đổi các phương pháp, kết quả nghiên cứu mới nhất về khu vực ven bờ được thực hiện gần đây ở trong và ngoài nước.
Hội thảo được mở đầu bằng bài khai mạc hội thảo của PGS.TS Trần Quang Đức. Tại nội dung đầu tiên, cán bộ phòng NCDV trình bày về phát triển hệ thống mô hình dự báo liên hoàn khí tượng và hải văn (COAWST) và các ứng dụng trong nghiệp vụ dự báo cũng như trong các mục tiêu nghiên cứu khác nhau. Hệ thống mô hình đang được chạy nghiệp vụ tại CEFD đã được hiệu chỉnh và kiểm định cho kết quả tốt, hoàn toàn có thể hỗ trợ công tác nghiệp vụ. Tại nội dung thứ hai của hội thảo, cán bộ phòng NCDV trình bày các ứng dụng của hệ thống mô hình tích hợp trong các mục tiêu nghiên cứu khác nhau. Một trong những vấn đề nghiên cứu đang được chú trọng hiện nay là lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hệ thống đã, đang, và sẽ có thể thực hiện các dự báo sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (sóng, gió, thủy triều,…), các thông tin phục vụ công tác thi công, vận hành các công trình, nhà máy này. Nội dung thứ 3 và thứ 4 của hội thảo, TS. Nguyễn Đức Tuấn đã trình bày các nghiên cứu về mô phỏng trường dòng chảy và trao đổi nước trong hệ thống vịnh Saginaw và hồ Huron (Mỹ) trong mùa Hè và mùa Đông, được thực hiện trong quá trình làm nghiên cứu sinh và nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Bang Michigan. Nghiên cứu đã xây dựng lưới phi cấu trúc ba chiều trong mô hình FVCOM để mô phỏng hoàn lưu, cấu trúc nhiệt, mức độ bao phủ của băng trong mùa đông và sự trao đổi trong hệ thống vịnh Saginaw và hồ Huron. Đây là nền tảng để ứng dụng vào các nghiên cứu về lan truyền chất hoặc tìm kiếm vật thể trôi.
Các bài trình bày trong hội thảo đều đã đưa ra những định hướng nghiên cứu khác nhau cho khu vực ven bờ. Điều này cho thấy, khu vực ven bờ là khu vực rất tiềm năng và vẫn còn rất nhiều điều cần được khai phá. Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, các chuyên gia dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo tiếp theo nhằm tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học trong thời gian sắp tới.
Các chuyên gia và đại diện cán bộ phòng NCDV tham gia Hội thảo
chụp ảnh lưu niệm trước hệ thống lưu trữ dữ liệu và tính toán hiệu năng cao của Trung tâm ĐLHTKMT.