Hội thảo Tổng kết gói thầu DH/C1 Quản lý tích hợp bờ biển thành phố Đồng Hới
Hội thảo Tổng kết Quản lý tích hợp bờ biển thành phố Đồng Hới tại điểm cầu Quảng Bình.

Buổi hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến qua nền tảng Zoom Meeting. Chủ trì Hội thảo là ông Đoàn Thanh Sơn – Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới (Ban QLDA).

Tại điểm cầu trực tiếp diễn ra ở TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, có sự hiện diện của đại diện các Sở, ban ngành tỉnh Quảng Bình và PGS.TS. Trần Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường (CEFD), đại diện liên danh tư vấn.

Tham dự hội thảo trực tuyến, có sự hiện diện của:

  • Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Chánh Văn phòng về khả năng chống chịu đô thị, đại diện các chuyên gia của Quỹ Biến đổi khí hậu và Khả năng Chống chịu đô thị (UCCRTF-ADB).
  • TS. Lê Minh Nhật, Phó Cục trưởng Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai;
  • PGS.TS. Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn;
  • PGS.TS Đào Đình Châm, Viện trưởng viện Địa lý, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam;
  • Ông Rob van den Boomen, trưởng nhóm tư vấn, đến từ Hà Lan.
  • Cùng các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trường Đại học Thủy Lợi, trường Đại học Khoa học Tự Nhiên.
Hội thảo Tổng kết gói thầu DH/C1 Quản lý tích hợp bờ biển thành phố Đồng Hới
Ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát biểu khai mạc hội thảo.
Hội thảo Tổng kết gói thầu DH/C1 Quản lý tích hợp bờ biển thành phố Đồng Hới
Các đại biểu tham dự trực tuyến

Đại diện Ban Quản lý dự án khai mạc hội thảo, ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án chia sẻ: “Hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, kết quả điều tra động lực dòng chảy, hình thái khu vực cửa biển Nhật Lệ, các xu hướng biến động trong tương lai theo các kịch bản biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp mang tính định hướng cho khu vực”.

Hội thảo Tổng kết gói thầu DH/C1 Quản lý tích hợp bờ biển thành phố Đồng Hới
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Chánh Văn phòng về khả năng chống chịu đô thị, đại diện các chuyên gia của Quỹ Biến đổi khí hậu và Khả năng Chống chịu đô thị (UCCRTF-ADB).

Đại diện nhà tài trợ, bà Nguyễn Thị Thanh Vân đã giới thiệu và chia sẻ một số thông tin về Quỹ tín thác thích ứng Biến đổi khí hậu đô thị (UCCRTF). Theo đó, UCCRTF hỗ trợ các thành phố phát triển ở 08 quốc gia nhằm giảm thiểu rủi ro cho người nghèo và cộng đồng dễ bị tổn thương ảnh hưởng bởi các tác động của biến đổi khí hậu thông qua cải thiện quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng khí hậu. Nguồn quỹ của UCCRTF được đóng góp từ nhiều nguồn khác nhau như Chính phủ Vương quốc Anh, Chính phủ Thụy Sĩ và Quỹ Rockefeller.

Nằm trong số 08 quốc gia được hỗ trợ, hiện Việt Nam có 14 tỉnh, thành đang nhận được sự giúp đỡ từ UCCRTF bao gồm: Hà Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Yên, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Hội An - Quảng Nam, Gia Nghĩa, Phan Rang, Phan Thiết, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

Hội thảo Tổng kết gói thầu DH/C1 Quản lý tích hợp bờ biển thành phố Đồng Hới
Ông Rob van den Boomen, trưởng nhóm tư vấn.
  • Là thành viên đứng đầu liên danh tư vấn, ngài Rob van den Boomen đã giới thiệu tổng quan Dự án và nhiệm vụ chính của gói thầu DH/C1 gồm 2 nhiệm vụ chính: Nhiệm vụ A: Sử dụng mô hình thủy động lực học để dự báo dòng chảy và xu hướng xói lở, bồi tụ của sông và của sông Nhật Lệ;
  • Nhiệm vụ B: Phân vùng, thiết kế và hướng dẫn bảo tồn cồn cát và bảo vệ cảnh quan; Đào tạo nâng cao nhận thức; Giám sát khôi phục đụn cát.
Hội thảo Tổng kết gói thầu DH/C1 Quản lý tích hợp bờ biển thành phố Đồng Hới
PGS.TS. Trần Ngọc Anh, Giám đốc CEFD (Trường ĐHKHTN), trình bày báo cáo tại hội thảo

Tiếp nối nội dung trình bày của ngài Rob van den Boomen, PGS.TS. Trần Ngọc Anh, đại diện liên danh tư vấn trình bày báo cáo kết quả điều tra động lực dòng chảy, hình thái khu vực cửa biển Nhật Lệ, các xu hướng biến động trong tương lai theo các kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất một số giải pháp mang tính định hướng nhưng hiệu quả để chống xói mòn và ổn định cho khu vực.

Theo PGS.TS. Trần Ngọc Anh, các nội dung trong nhiệm vụ A đã được thực hiện đầy đủ, kể các bổ sung tính toán sau khi có yêu cầu. Nghiên cứu đã đưa ra các thông tin cần thiết về hệ thống từ nhiên của cồn cát, bờ biển, đáy biển và các lực tác động nên nó (gió, sóng, thủy triều, dòng chảy). Những nội dung này đáp ứng các thông tin cần thiết để thực hiện Nhiệm vụ B trong hợp phần dự án.

Đóng góp cho nội dung nghiên cứu, PGS.TS. Trần Thanh Tùng, Phó trưởng Khoa Công trình, Trường Đại học Thủy lợi, chia sẻ: khi xây dựng cụm công trình tại cửa Nhật Lệ sẽ có những ảnh hưởng tới bãi biển phía Bắc và Phía Nam. Do vậy PGS.TS. Trần Thanh Tùng đề xuất nhóm nghiên cứu nên đưa ra khuyến nghị về tác động của công trình tới khu vực này.

Hội thảo Tổng kết gói thầu DH/C1 Quản lý tích hợp bờ biển thành phố Đồng Hới
TS. Lê Minh Nhật, Phó Cục trưởng Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai phát biểu tại hội thảo

TS. Lê Minh Nhật, Phó Cục trưởng Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai ánh giá cao kết quả gói thầu đã đạt được tới thời điểm hiện tại. TS. Lê Minh Nhật cũng chia sẻ, dựa vào tình hình thực tế với trận lũ lớn kéo dài tái 1 tháng tại Quảng Bình diễn ra vào tháng 10/2020, nếu muốn bảo tồn các cồn cát thì cần quan tâm đến vấn đề ngập lụt, do vậy rất mong liên danh tư vấn sẽ hỗ trợ đưa ra giải pháp tổng thể, không nên chỉ dừng lại ở những giải pháp cục bộ tại khu vực.

Theo PGS.TS. Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đánh giá cao cách tiếp cận và công nghệ được sử dụng trong dự án lần này. Bên cạnh đó, PGS.TS. Nguyễn Bá Thủy lưu ý nhóm nghiên cứu về tần suất lũ lớn cùng những kịch bản cực đoan thường xuyên xảy ra tại khu vực nghiên cứu cũng như đề xuất bổ sung thêm các cơ sở khoa học tính toán đối với giải pháp công trình.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. Đào Đình Châm - Viện trưởng Viện Địa lý, Viện Hàn lâm và Khoa học Việt Nam cũng đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của gói thầu. Ngoài ra, ông cũng góp ý thêm rằng, cần làm rõ vấn đề bảo vệ bờ biển có nằm trong mục tiêu nghiên cứu của gói  thầu hay không, để đề xuất các giải pháp bảo vệ các bờ biển này.

Hội thảo Tổng kết gói thầu DH/C1 - Quản lý tích hợp bờ biển thành phố Đồng Hới đã khép lại với những đánh giá tốt từ các chuyên gia, các nhà khoa học cũng như đại diện các Sở, ban ngành tỉnh Quảng Bình. Đây là nền tảng để nhóm nghiên cứu tiếp tục triển khai các hoạt động tiếp theo của dự án.

Một số hình ảnh khảo sát thực địa của đoàn nghiên cứu Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường tiến hành tại dự án:

Hội thảo Tổng kết gói thầu DH/C1 Quản lý tích hợp bờ biển thành phố Đồng Hới
 
Hội thảo Tổng kết gói thầu DH/C1 Quản lý tích hợp bờ biển thành phố Đồng Hới
 

Dự án “Phát triển môi trường hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới” nhằm giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường đô thị và giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây ra; góp phần phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu tăng trưởng dân số đô thị, giảm tỷ lệ nghèo đói ở khu vực nông thôn và thành thị, phát triển, hòa nhập các vùng ngoại ô, thúc đẩy công nghiệp, du lịch dịch vụ, tạo nên môi trường cạnh tranh cho thành phố Đồng Hới.

Dự án có thời gian thực hiện 05 năm từ năm 2017 - 2022 với 5 hợp phần (với 11 gói thầu) gồm:

  • Cải thiện quản lý nước thải cho khu vực trung tâm thành phố;
  • Cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho xã Bảo Ninh;
  • Quản lý lũ lụt và cơ sở hạ tầng khác;
  • Tái định cư và giải phóng mặt bằng;
  • Quản lý Dự án và tăng cường năng lực.

Dự án có tổng mức đầu tư 38,8 triệu USD, trong đéo vốn ODA 31 triệu USD, vốn vay ADB 30 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại 1 triệu USD, vốn đối ứng 7,8 triệu USD.

 

Gói thầu DH/C1: Quản lý tích hợp bờ biển Đồng Hới thuộc hợp phần 3 “Quản lý tổng hợp dải ven biển” với các nội dung chính là:

  • Điều tra thủy động lực học và hình thái cửa sông Nhật Lệ và tiến hành đề xuất giải pháp hữu hiệu chống xói mòn, ổn định cửa sông;
  • Các giải pháp kỹ thuật phục hồi các biện pháp phi công trình để bảo vệ hệ thống cồn cát thông qua đào tạo và nhận thức cộng đồng giữa các cơ quan chính quyền địa phương và người dân.

Gói thầu gồm 02 nhiệm vụ chính:

Nhiệm vụ A: Nghiên cứu chế độ thủy động lực khu vực cửa Nhật Lệ, với các hoạt động:

  • Thu thập số liệu để có được một bộ dữ liệu tổng hợp về các dữ liệu về độ sâu, khí tượng thủy văn và thủy động lực và  nồng độ trầm tích của cửa sông Nhật Lệ;
  • Tiến hành điều tra độ sâu để có được bản đồ độ sâu 1: 5000 cho hai đợt khảo sát vào mùa mưa và mùa kiệt trong khoảng 50 km2 quanh cửa sông Nhật Lệ;
  • Thực hiện các khảo sát và đo đạc thủy động lực để có được một tập dữ liệu với các thông số của sóng, mực nước, dòng chảy của sông cũng như nồng độ chất rắn, phân bố hạt và tỷ lệ cấp hạt bùn cát khu vực cửa sông;
  • Sử dụng mô hình toán học và phân tích thuỷ động lực để xác định chế độ thủy động lực của cửa sông Nhật Lệ và cơ chế vận chuyển trầm tích, hình thái của cửa và các bãi biển liền kề cho quy mô ngắn và dài hạn; đề xuất các giải pháp và những tác động dự kiến  trong khu vực nghiên cứu và các sự kiện có tính đến các kịch bản tăng mực nước biển và kịch bản bão để sử dụng cho việc phân vùng vùng bờ biển chống lại tác động của mực nước biển dâng và tác động của bão.

Nhiệm vụ B:

  • Đánh giá hoàn cảnh tự nhiên ở khu vực ven biển để xác định việc bảo vệ cồn cát và các biện pháp khoanh vùng;
  • Đào tạo và nâng cao nhận thức cộng đồng bằng cách cung cấp chương trình đào tạo, tài liệu, bảng câu hỏi và hướng dẫn an toàn về sự cống cát cho công chúng;
  • Thực hiện cải tạo cồn cát sử dụng phương pháp xây dựng thân thiện với thiên nhiên.

Cho đến nay, phần nghiên cứu của Nhiệm vụ A đã kết thúc, báo cáo tổng hợp các kết quả Nhiệm vụ A đã được gửi lấy ý kiến bằng văn bản và nhận được các ý kiến góp ý, đồng thuận của các cơ quan ban ngành trong tỉnh.

Theo Mây Phạm - CEFD