Những ngày cuối tháng 3 năm 2022, đoàn cán bộ Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường (CEFD) phối hợp cùng các liên danh tư vấn: Viện nghiên cứu Deltares (Hà Lan), Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Xây dựng Solid đã triển khai hạng mục khảo sát, đo đạc trong mùa khô phục vụ dự án “Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)”, gọi tắt là Dự án quản lý Khai thác Cát Bền vững, được tài trợ bởi Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) - BMU thông qua WWF-Việt Nam, do Tổng cục Phòng, chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn làm chủ dự án. Dự án được thực hiện tại 13 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong 5 năm (2019 - 2023) với mục tiêu cụ thể là:

  1. Xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng cát cho ĐBSCL với sự phối hợp cùng các đối tác quan trọng.
  2. Tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của việc khai thác cát và sỏi không bền vững, làm gia tăng thiên tai ở ĐBSCL.
  3. Tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát, sỏi và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng.

Các hạng mục khảo gồm: (i) Khảo sát thủy động lực và bùn cát; (ii) Đo đạc sự di chuyển của đụn cát đáy và trữ lượng cát đáy. Các hạng mục đã sử dụng những thiết bị đo đạc, kỹ thuật tiên tiến hiện đại, cụ thể như sau:

  1. Khảo sát thủy động lực (lưu lượng, mực nước) và bùn cát tại 9 trạm: Tân Châu (An Giang), Châu Đốc (An Giang), Mỹ Thuận (Vĩnh Long), Cần Thơ (Cần Thơ), Vàm Nao (An Giang), Chợ Lách (Bến Tre), Mỹ Tho (Tiền Giang), Bình Đại (Bến Tre), Đại Ngãi (Sóc Trăng). Thiết bị được sử dụng khảo sát gồm ADCP Flowquest 600kHz, ADCP RiverRay, LISST ABS và cuốc lấy mẫu với thời gian khảo sát 6 ngày từ 30/3/2022 đến 4/4/2022.
  2. Khảo sát đo đạc sự di chuyển của đụn cát đáy nhằm ước tính vận chuyển tải lượng bùn cát đáy. Thiết bị được sử dụng khảo sát là hệ thống đo sâu hồi âm đa tia EdgeTech 6205s Components (MBES) chia làm 2 đợt đo đạc gồm: đợt 1 từ ngày 30/3/2022 đến 5/4/2022 và đợt 2 từ ngày 17/4/2022 đến ngày 22/4/2022.
  3. Khảo sát trữ lượng cát đáy hỗ trợ lập kế hoạch khai thác cát trong tương lai. Thiết bị được sử dụng là hệ thống đo đạc địa chấn tầng đáy Innomar Compact (sub-bottom profiling) với khối lượng đo đạc khoảng 600km dọc theo sông Tiền và sông Hậu.

Đợt khảo sát mùa khô phục vụ dự án đã mang lại nhiều kinh nghiệm vô cùng quý báu và những trải nghiệm thú vị cho mỗi cán bộ của CEFD cũng như các cán bộ, nhân viên của các đơn vị phối hợp tham gia. Thông qua đợt khảo sát đã thể hiện được sự chuyên nghiệp, khả năng phối hợp làm việc với nhiều bên liên quan và năng lực chuyên môn của CEFD. Chi tiết các nội dung của đợt khảo sát mùa khô được trình bày dưới đây.

Khảo sát thủy động lực và bùn cát

Sáng ngày 30/3/2022, 9 trạm khảo sát thủy động lực (lưu lượng, mực nước) và bùn cát tiến hành đồng thời triển khai đo đạc.

 

Các trạm triển khai khảo sát thủy động lực và bùn cát

Trên sông Tiền, các trạm khảo sát nằm dọc từ Tân Châu (An Giang) đến Bình Đại (Tiền Giang) và trên sông Hậu các trạm khảo sát nằm dọc từ Châu Đốc (An Giang) đến Đại Ngãi (Sóc Trăng). Với nhiều trạm đo đạc trên toàn ĐBSCL toàn thể cán bộ tham gia khảo sát đã phối hợp nhịp nhàng, chuyên nghiệp và nỗ lực khắc phục khó khăn đảm bảo chất lượng và khối lượng của số liệu đo đạc theo yêu cầu đề ra của dự án. Dưới đây là một số hình ảnh khảo sát, đo đạc tại một số trạm:

Trạm Vàm Nao

Trạm Mỹ Thuận

Trạm Bình Đại

Trạm Đại Ngãi

 

Khảo sát đo đạc sự di chuyển của đụn cát đáy (MBES)

Theo kế hoạch khảo sát, các vị trí khảo sát gồm Tân Châu, Châu Đốc, Cần Thơ và Mỹ Thuận. Mục đích khảo sát nhằm phục vụ hiệu chỉnh cát và trầm tích đổ về ĐBSCL và so sánh kết quả tính toán của mô hình. Tại mỗi điểm sẽ tiến hành đo đạc 2 lần cách nhau 11 ngày và đo theo cùng một lộ trình để có thể xác định sự dịch chuyển của các đụn cát.

 

 

Khu vực khảo sát sự di chuyển của đụn cát

Lộ trình di chuyển bằng thuyền của đoàn khảo sát trong 2 lần đo đạc: Xuất phát từ cầu Mỹ Thuận (Vĩnh Long) - Cần Thơ (Cần Thơ) - Châu Đốc (An Giang) và kết thúc tại Tân Châu (An Giang). Trên quãng đường di chuyển, các thành viên tham gia đã có dịp được quan sát hình thái, các điểm sạt lở của bờ sông trên suốt hành trình, từ đó có thêm nhiều kiến thức thực tế quý báu tại ĐBSCL phục vụ các công việc tiếp theo trong khuôn khổ dự án.

 

Đoàn khảo sát xuất phát tại cầu Mỹ Thuận, tỉnh Vĩnh Long

 

Đoàn cán bộ/nhân viên tham gia khảo sát đo đạc sự di chuyển của đụn cát đáy (MBES)

Khảo sát trữ lượng cát đáy (Sub-bottom frofiling)

Khối lượng công việc thực hiện và hành trình di chuyển đo đạc bằng thuyền trong nội dung khảo sát trữ lượng cát đáy có lẽ là hành trình trải nghiệm thú vị và quý báu nhất trong đợt khảo sát mùa khô với mỗi thành viên tham gia.

Lịch trình và khối lượng khảo sát trữ lượng cát đáy

Đoàn khảo sát xuất phát từ cầu Mỹ Thuận (Vĩnh Long), di chuyển về hướng Tân Châu (An Giang) – qua Châu Đốc (An Giang) – xuôi dòng sông Hậu về Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh đến cửa Trần Đề, Định An. Tiếp theo hành trình đoàn di chuyển qua kênh Quan Chánh Bố (thị xã Duyên Hải, Trà Vinh) sang cửa Cố Chiên và ngược dòng về cầu Mỹ Thuận. Sau 11 ngày đo đạc, đoàn đã về đến vị trí xuất phát là cầu Mỹ Thuận. Tiếp theo của hành trình, đoàn di chuyển đo đạc về phía cửa Đại (Tiền Giang), cửa Hàm Luông (Bến Tre). Tất cả các thành viên đã làm việc, ăn ngủ, sinh hoạt cùng nhau trong suốt 17 ngày của hành trình dọc theo sông Tiền và sông Hậu với quãng đường lên đến 600 km.

Ngoài nội dung khảo sát trữ lượng cát đáy, đoàn khảo sát còn chụp ảnh và thống kê các vị trí có tàu khai thác cát, các điểm sạt lở, đo đạc bổ sung mặt cắt ngang và lấy mẫu bùn cát đáy nhằm bổ sung số liệu cho các nghiên cứu, tính toán tiếp theo. Dưới đây là một số hình ảnh của đoàn khảo sát

 

Thành viên đoàn khảo sát lấy mẫu bùn cát đáy

Thành viên đoàn chụp ảnh các vị trí sạt lở, khai thác cát

Chụp ảnh vị trí các tàu khai thác cát

 

Nghiên cứu “Xây dựng ngân hàng cát trên toàn đồng bằng cho Đồng bằng sông Cửu Long” do liên danh thư vấn Viện nghiên cứu Deltares (Hà Lan) và Trung tâm Động lực học Thủy Khí Môi trường thực hiện. Cùng với sự tham gia của 03 nhà thầu phụ là: Viện giáo dục chuyên ngành Tài nguyên nước IHE Delft (Hà Lan), Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ và Công ty cổ phần kỹ thuật xây dựng Solid.

  • Nhà tài trợ: Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế của Chính phủ Đức thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF).
  • Cơ quan Chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
  • Chủ dự án: Tổng cục Phòng, chống thiên tai.
  • Địa điểm thực hiện: Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long).
  • Tổng kinh phí: 489.919,89 EUR. Trong đó, phần thực hiện của CEFD là 236.252,63 EUR.
  • Thời gian thực hiện: Tháng 01/2022-03/2023.

CEFD - 2022