Khởi động hệ thống dự báo, cảnh báo tích hợp thông minh phục vụ kịp thời mùa mưa lũ
Nhằm khởi động hệ thống dự báo và cảnh báo tích hợp thông minh phục vụ kịp thời mùa mưa lũ năm 2023, Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa ra mắt và kích hoạt Hệ thống dự báo và cảnh báo khí tượng thủy văn (KTTV) phục vụ vận hành hồ chứa thông minh.
Đây là dấu mốc quan trọng cho sự tham gia xã hội hóa các hoạt động KTTV của các đơn vị theo đúng tinh thần của Luật Khí tượng thủy văn 2015 và sửa đổi năm 2020.
Hệ thống mới với nhiều ưu điểm
Theo ông Trần Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường, đây là sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, được xây dựng và phát triển hoàn toàn tại Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường (CEFD), là sản phẩm của các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với phần lớn các công cụ có mã nguồn mở, do vậy, hệ thống có tính chủ động cao, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Với cách tiếp cận theo lưu vực sông, hệ thống được phân thành nhiều phân hệ cho từng lưu vực trên khắp cả nước, và từ đó kết xuất ra các bản tin dự báo tại mọi vị trí trên lưu vực bao gồm cả dòng chảy đến hồ cho các thủy điện, do vậy sẽ rút ngắn thời gian ra bản tin cho từng hồ thủy điện trên lưu vực.
Cơ sở hạ tầng phục vụ dự báo của CEFD cho phép tính toán, mô phỏng các bài toán phức tạp, siêu dữ liệu (big data)
Hệ thống được chính thức kích hoạt và vận hành liên tục từ 14h30 ngày 15/5/2023 với việc CEFD luôn duy trì đội ngũ trực 24/7 để thực hiện các quy trình theo đúng quy định, trực tiếp giải quyết các yêu cầu phát sinh của khách hàng. Bên cạnh đó, hệ thống được vận hành trên máy chủ đặt tại CEFD, vì thế luôn đảm bảo tính bảo mật, an toàn về thông tin, dữ liệu của khách hàng cũng như đảm bảo chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra mà không bị phụ thuộc bên thứ 3.
Về đặc điểm nổi bật của hệ thống trên, ông Đặng Đình Đức - Trưởng Phòng Nghiên cứu Dịch vụ, Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường cho biết, hệ thống cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo phục vụ vận hành hồ chứa với quy mô chi tiết cho từng lưu vực, từng hồ chứa. Hệ thống đáp ứng yêu cầu của Nghị định 114/2018/NĐ-CP, nội dung bản tin đáp ứng Thông tư số 08/2022/TT-BTNMT, quy trình dự báo đáp ứng Thông tư số 40/2016/TT-BTNMT, Thông tư số 41/2016/TT-BTNMT.
Hệ thống vận hành trên nền tảng cập nhật các công nghệ tiên tiến, mới nhất hiện nay của quốc tế, đảm bảo cơ sở khoa học, tính ổn định, tính chính xác cao. Đồng thời, một số các công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được tích hợp trong hệ thống để tăng cường chất lượng dự báo thủy văn, nhận diện hình thế thời tiết, hình thế mưa - lũ, phân tích với số liệu lịch sử để đưa ra khuyến nghị cho dự báo viên.
Đặc biệt, kỹ thuật đồng hóa số liệu được áp dụng trong các mô hình dự báo thời tiết, đồng thời trong các mô hình thủy văn, phương pháp lọc Kalman kép được sử dụng để tăng cường chất lượng dự báo hạn cực ngắn.
Ngoài ra, hệ thống hỗ trợ xử lý nhanh chóng các nguốn số liệu phục vụ kịp thời dự báo nghiệp vụ; cung cấp giao diện hỗ trợ dự báo viên phân tích, thảo luận, đưa ra nhận định trong quá trình dự báo; giám sát quá trình dự báo, đảm bảo việc tuân thủ Quy trình trong từng ca.
Cơ sở hạ tầng phục vụ dự báo của CEFD cho phép tính toán, mô phỏng các bài toán phức tạp, siêu dữ liệu (big data)
Tiếp tục hoàn thiện và tối ưu hóa hệ thống
Đánh giá về hệ thống dự báo và cảnh báo KTTV phục vụ vận hành hồ chứa thông minh, ông Phạm Hoàng Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý dự báo, Tổng cục KTTV đánh giá, sản phẩm của Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường là một trong những kết quả nổi bật của quá trình hoạt động, thực hiện bài bản, tuân thủ quy định và cũng là minh chứng rõ ràng cho thấy quy định nhà nước đã đi vào thực tế xã hội.
Hiện nay, theo thông tin của Bộ NN&PTNT, Việt Nam có khoảng 7.000 hồ chứa dọc theo các lưu vực sông trên cả nước. Tất cả các đơn vị quản lý hồ chứa đều có nhu cầu về thông tin thời tiết liên quan đến hồ, đặc biệt là dự báo thủy văn. Đến thời điểm hiện tại, một số hồ thủy điện lớn đã có thỏa thuận thực hiện dự báo, cảnh báo phục vụ công tác vận hành hồ chứa của mình, tuy nhiên so với tổng số hồ chứa trên cả nước thì số lượng này còn rất nhỏ.
Theo ông Phạm Hoàng Hùng, trong bối cảnh nhu cầu của xã hội với dự báo, cảnh báo phục vụ vận hành hồ chứa còn rất lớn như trên, nếu sản phẩm của Trung tâm hoạt động tốt có thể giúp các đơn vị vận hành hồ chứa tối ưu hóa được nguồn lực vận hành, tăng giá trị sản xuất, đồng thời giúp người dân, doanh nghiệp khai thác nguồn nước hiệu quả, mang lại giá trị, lợi ích thực.
Cơ sở hạ tầng phục vụ dự báo của CEFD cho phép tính toán, mô phỏng các bài toán phức tạp, siêu dữ liệu (big data)
uy vậy, ông cho rằng sản phẩm của Trung tâm mới chỉ bắt đầu được đưa vào sử dụng và chắc chắn sau khi kích hoạt hệ thống sẽ còn nhiều việc cần phải làm để tiếp tục hoàn thiện và tối ưu hóa hệ thống theo nhu cầu của người sử dụng.
Ông Hùng nhận định, cách tiếp cận này là phù hợp, một sản phẩm công nghệ thông tin chỉ có thể hoàn thiện khi được nhiều người sử dụng và sử dụng thường xuyên. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện nay, chúng ta không thể quá cầu toàn mà để chậm cơ hội đưa sản phẩm vào phục vụ đời sống. Có thể, sản phẩm dự báo của Hệ thống còn những điểm cần hoàn thiện, nhưng ông Hùng tin rằng nếu kiên trì tiếp cận theo hướng này, vừa làm vừa rút kinh nghiệm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ 4.0, dần dần Trung tâm sẽ có một sản phẩm tốt.
Trên cơ sở thực hiện đúng định hướng và quy định của pháp luật, đúng nhu cầu của thị trường, xã hội và cách tiếp cận hợp lý, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý dự báo hy vọng sản phẩm của Trung tâm, một sản phẩm Việt, sẽ ngày càng được hoàn thiện và phát huy hiệu quả cao trong tương lai gần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhân dân.
Ông Phạm Hoàng Hùng đề nghị trong thời gian tới, ngoài việc hoàn thiện sản phẩm của mình, Trung tâm có các hoạt động trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm với các đơn vị trong Hệ thống dự báo KTTV quốc gia để cập nhật công nghệ và cùng nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV.
Mai Đan
Trong những năm qua, Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường đã tham gia tư vấn cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai trong công tác vận hành hệ thống các hồ chứa lớn trên sông Hồng (gồm có 7 hồ chứa lớn: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Thác Bà, Huội Quảng, Bản Chát) hay các hồ chứa khác trên hệ thống sông Ba, sông Trà Khúc. Trung tâm cũng là một trong những đơn vị đầu tiên được Bộ TN&MT cấp Giấy phép hoạt động Dự báo, cảnh báo KTTV (cùng với công ty Weather Plus). |
Nguồn: https://monre.gov.vn/Pages/khoi-dong-he-thong-du-bao,-canh-bao-tich-hop-thong-minh-phuc-vu-kip-thoi-mua-mua-lu.aspx?cm=Kh%C3%AD%20t%C6%B0%E1%BB%A3ng%20th%E1%BB%A7y%20v%C4%83n