PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh: Đừng chọn ngành học chỉ vì sẽ có người nhà xin việc giúp”
 

PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Chỉ tiêu dành cho kỳ thi đánh giá năng lực chỉ chiếm khoảng 15%

Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội và một số đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Ông đánh giá như thế nào về việc tổ chức các kỳ thi riêng?

Năm 2015 và 2016, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã tổ chức kỳ thi này. Ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội, năm nay cũng còn có thêm một số trường đại học lớn tổ chức kỳ thi riêng.

Kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của mỗi trường có những đặc thù riêng, nhưng nhìn chung, đều hướng tới mục tiêu là đánh giá đúng được năng lực của thí sinh, trên cơ sở đó để xét tuyển đại học, cao đẳng.

Tôi cho rằng, việc tổ chức các kỳ thi riêng hoàn toàn hợp lý, theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục và sự thay đổi trong mục tiêu thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT. Trong tương lai, việc thiết kế câu hỏi của các kỳ thi riêng sẽ đáp ứng tốt hơn nữa được nhu cầu tuyển sinh của các trường và các trường có thể sẽ tăng dần chỉ tiêu từ phương thức xét tuyển này.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên dành bao nhiêu chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi ĐGNL, thưa ông?

Năm 2021, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tuyển sinh 1.610 chỉ tiêu đại học chính quy. Trong số đó, Trường dành khoảng 250 chỉ tiêu, chiếm khoảng 15% tổng chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và xét tuyển thẳng. Còn lại, phần lớn vẫn là xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Công tác tuyển sinh về cơ bản vẫn ổn định như những năm trước.

Nhiều phụ huynh và thí sinh phản ánh, không thể đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do nghẽn mạng, dẫn tới mất công bằng về cơ hội cho các thí sinh. Theo ông, nên giải quyết việc này thế nào?

Trung tâm khảo thí của Đại học Quốc gia Hà Nội đã có thông báo rõ ràng, sẽ chỉ đáp ứng được một số lượng nhất định thí sinh. Có những phụ huynh theo tôi biết canh trực để đăng ký, nhưng vẫn không đăng ký được.

Nhưng các phụ huynh cũng yên tâm, số lượng chỉ tiêu tuyển sinh từ kỳ thi ĐGNL này chỉ là một phần nhỏ. Cũng khó có sự công bằng tuyệt đối, đảm bảo tất cả những ai mong muốn đều có thể đăng ký thi ĐGNL bởi việc tổ chức thi phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, dù Đại học Quốc gia Hà Nội rất muốn tổ chức với số lượng lớn hơn. Điều này, cũng xảy ra với nhiều kỳ thi của nước ngoài, ví dụ, các kỳ thi chứng chỉ của Hoa Kỳ.

Theo tôi được biết, chủ trương trong những năm tiếp theo của Đại học Quốc gia không phải chỉ tăng quy mô về kỹ thuật, mà tăng số các đợt thi và tiến tới sẽ tổ chức thi quanh năm, tựa như thi các chứng chỉ ngoại ngữ. Như vậy, thí sinh có thể chủ động đăng ký thi và khả năng đăng ký thành công sẽ cao hơn.

"Do đặc thù của ngành khoa học tự nhiên, các chương trình đào tạo đều đòi hỏi phải thực hành, thí nghiệm, và để đảm bảo chất lượng đào tạo, năm nay nhà trường không chủ trương tăng quy mô tuyển sinh. Mặc dù ở một số ngành, như ngành máy tính và khoa học thông tin, hay khoa học dữ liệu, công nghệ sinh học, nhu cầu rất nhiều… Nó cũng tựa như vấn đề đối với kỳ thi đánh giá năng lực, nhu cầu cao nhưng trước mắt chưa thể tăng số lượng do cần đảm bảo chất lượng", PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh.

3 yếu tố "then chốt" khi chọn ngành

PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh: Đừng chọn ngành học chỉ vì sẽ có người nhà xin việc giúp”
 

Học sinh được các giảng viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) tư vấn tuyển sinh tại Ngày hội Tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp 2021. Ảnh: Mai Loan.

Câu hỏi chọn ngành thế nào luôn là mối băn khoăn lớn trong mỗi mùa tuyển sinh. Ông có chia sẻ gì với các bậc phụ huynh và thí sinh về điều này?
Gần đây, tôi có đọc được chia sẻ của một số nhà giáo dục, rằng đến bây giờ mà vẫn có quan điểm chọn ngành học chỉ vì “sẽ có người nhà giúp xin việc” là lỗi thời rồi. Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm đó. 

Thực tế, tôi từng chứng kiến có trường hợp chỉ vì lý do "sẽ có người nhà giúp xin việc" mà chọn học ngành không đúng với sở trường, năng lực của mình, từ bỏ các cơ hội tốt khác. Sau đó, học hành lỡ dở, rất đáng tiếc.

Theo tôi, trong việc chọn ngành, cần phải có sự cân đối, hài hòa giữa 3 yếu tố, đó là năng lực, sở thích và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Sở thích quan trọng, nhưng cũng phải phù hợp với năng lực, và sau khi ra trường, khả năng việc làm thế nào. Bởi vì, mục đích của việc học một ngành nào đó cũng là để sau này ra trường có một công ăn việc làm tốt, có thể phát huy được năng lực của mình.

Cũng có những ngành cơ hội việc làm và thu nhập sau khi tốt nghiệp rất tốt, là những ngành “hot”, nhưng cũng không nên chỉ nhìn vào yếu tố “hot” mà bỏ qua yếu tố năng lực và sở thích của mình.

Thực tế, có những ngành không phải là quá “hot”, cơ hội việc làm cũng như thu nhập vừa phải nhưng lại phù hợp với năng lực, hoặc lại có những cơ hội khác. Ví dụ, những ngành học về khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, cơ hội việc làm không phải quá nhiều, thu nhập vừa phải nhưng các em sẽ có nhiều cơ hội đi học sau đại học ở nước ngoài, hoặc với những bạn thích làm việc trong phòng thí nghiệm, đam mê nghiên cứu khoa học thì hoàn toàn phù hợp.

Trong việc chọn ngành, ngoài 3 yếu tố trên, các em cần tìm hiểu về chương trình đào tạo, ngành nghề, uy tín của trường đại học mình muốn theo học. Đây cũng là điều rất quan trọng.

Thực tế nhiều năm làm công tác tuyển sinh và ở cương vị lãnh đạo nhà trường phụ trách mảng đào tạo, ông thấy việc lựa chọn ngành nghề ở các thí sinh như thế nào?

Tôi thấy nhiều em có những hiểu biết rất sớm trong việc tìm hiểu ngành nghề, xác định hướng đi cho mình. Nhưng cũng có những em tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh, đi theo phụ huynh, khi được hỏi em thích ngành nào, thì trả lời: “Em cũng chẳng biết em thích ngành gì”. Phụ huynh thì nói rằng: “Con chẳng biết gì cả, ngoài học ra chỉ biết ăn, biết ngủ thôi”.

Theo ông, ở lứa tuổi 18 các em đã xác định được sở thích của mình và đủ độ chín trong việc chọn ngành hay chưa?

Tôi cho rằng, khi học cấp 3, phần lớn các em hoàn toàn có thể biết được sở thích của mình là gì, thậm chí có em còn xác định được từ rất sớm. Tuy nhiên, độ chín của mỗi em khác nhau. Có những em thậm chí học xong đại học mới nhận ra là mình thích gì. Hoặc có khi còn muộn hơn thế nữa. Cho nên, việc tư vấn đối với mỗi em cũng cần cá nhân hóa. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội rất quan trọng ở việc hỗ trợ thông tin, tư vấn, để các em hiểu được sở thích, năng lực của mình là gì, phù hợp với những ngành nghề nào... Từ đó, các em sẽ đưa ra quyết định cho mình.

Chẳng hạn, như đối với các em muốn vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, thì cần yếu tố gì, thưa ông?

Muốn vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, các em phải có nền tảng kiến thức khoa học tự nhiên tốt, thích nghiên cứu khoa học, có mối quan tâm và sở thích liên quan đến khoa học… Sau khi ra trường, có những em có thể đi theo hướng hàn lâm như giảng dạy, nghiên cứu, những cũng có thể làm việc tại các doanh nghiệp khoa học – công nghệ… đều rất tốt.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Khoa học và Đời sống.

Nguồn: https://khoahocdoisong.vn/pgs-tskh-vu-hoang-linh-dung-chon-nganh-hoc-chi-vi-se-co-nguoi-nha-xin-viec-giup-167031.html?fbclid=IwAR1gacMzrmQEwej8AA8_ngcdHYqb0-hrg1e-tL10zywkFCNkxE1-2dG2Uk8