Thứ trưởng Lê Công Thành tại cuộc họp trực tuyến

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2021-2023 với mục tiêu xây dựng được công nghệ, quy trình hiện đại dự báo các yếu tố khí tượng thủy văn (KTTV) biển trên Biển Đông, chi tiết cho các khu vực đảo, vùng ven bờ và cửa sông Việt Nam; xây dựng được hệ thống cung cấp sản phẩm dự báo, cảnh báo KTTV biển hiện đại, phục vụ phát triển kinh tế biển, phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải và bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông và ven bờ Việt Nam; nâng cao năng lực đội ngũ dự báo viên KTTV biển trong Tổng cục Khí tượng Thủy văn và một số cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Trên cơ sở đánh giá hiện trạng thiên tai trên biển và nhu cầu dự báo phục vụ phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế biển; hiện trạng hệ thống quan trắc KTTV, dự báo thời tiết biển, dự báo dòng chảy biển, dự báo nước biển dâng do bão, dự báo thủy triều... Ban soạn thảo dự án đã xây dựng nội dung và giải pháp thực hiện gồm việc triển khai mô hình dự báo thời tiết độ phân giải cao dự báo thời tiết biển và làm đầu vào cho các mô hình dự báo hải văn; xây dựng công nghệ, quy trình dự báo sóng chi tiết cho các khu vực trọng điểm, khu kinh tế trên biển, ven biển, các tuyến hàng hải, bãi tắm, đảo du lịch; xây dựng công nghệ, quy trình dự báo dòng chảy tại các lớp nước chi tiết cho khu vực ven bờ, cửa sông Việt Nam; hoàn thiện công nghệ dự tính thủy triều, dòng triều chi tiết dọc ven biển, đảo của Việt Nam đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ dự báo hải văn và hỗ trợ dự báo thủy văn; xây dựng hệ thống cung cấp sản phẩm dự báo, cảnh báo KTTV biển trên hệ thống thông tin địa lý WebGIS.

Nhận xét về dự án, các thành viên Hội đồng cho rằng, dự án có tính khả thi cao. Việc triển khai dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế biển, phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ chủ quyền ven biển và trên bờ. Các nhiệm vụ, khối lượng công việc nêu trong dự án cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra.

GS.TS Trần Thục, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phát biểu tại cuộc họp

Để hoàn thiện dự án, GS.TS Trần Thục, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng, Ban soạn thảo cần chỉnh sửa một số phương pháp kỹ thuật được đưa ra cho phù hợp, đồng thời, tiếp tục rà soát kỹ các số liệu cần có về khí tượng, hải văn, thủy văn, địa hình; rà soát lại các sản phẩm trong 7 sản phẩm giao nộp của dự án sau khi đã hoàn thiện các nội dung chỉnh sửa...

Thống nhất với các ý kiến của thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, việc dự báo khí tượng ven biển của Việt Nam đã có từ lâu, tuy nhiên để đưa nó thành một công việc hàng ngày là công việc chính của dự án lần này. Do vậy, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Khí tượng Thủy văn cùng nhóm nghiên cứu dự án quán triệt phương châm khi thực hiện dự án phải có ngay sản phẩm từ năm đầu tiên; để sản phẩm dự báo khí tượng ven biển của Việt Nam được hiện hữu ở trên mạng và chuyển đến người sử dụng.

Mặt khác, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, mục tiêu của dự án đưa ra là góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo. Vì vậy, trong lúc đang triển khai các trạm khí tượng hải văn trên biển thì việc thiết lập một mạng lưới cộng tác viên trên biển là rất cần thiết. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã thực hiện rất thành công mô hình này.

Do hiện nay chúng ta rất thiếu các điểm quan trắc trên biển nên phải thiết lập được hệ thống những người sử dụng, như là những cộng tác viên trên biển. Họ là những người sử dụng các sản phẩm của chúng ta và đồng thời phản hồi lại”, Thứ trưởng Lê Công Thành đặt ra yêu cầu.

Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu Tổng cục Khí tượng Thủy văn chỉ đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện dự án theo các ý kiến góp ý của Hội đồng.

Thanh Tùng

-----------------

Nguồn: http://www.monre.gov.vn/Pages/thiet-lap-he-thong-mang-luoi-cong-tac-vien-tren-bien-la-can-thiet.aspx