Đến 2030 hoàn thành xây dựng hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước quốc gia
Quy hoạch đặt mục tiêu đối với các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước định kỳ, thường xuyên, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu sau:
Hoàn thành việc xây dựng và duy trì hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước quốc gia (bao gồm mạng quan trắc tài nguyên nước trung ương và địa phương); hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra.
Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống giám sát phối hợp vận hành của tất cả các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông và hệ thống giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo quy định.
Hoàn thành việc xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, địa phương và cơ sở dữ liệu khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các Bộ, ngành.
Công bố được kết quả tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, báo cáo tài nguyên nước quốc gia (theo giai đoạn 5 năm một lần) vào năm 2025, 2030; và báo cáo sử dụng nước hằng năm của các bộ, ngành, địa phương theo quy định của Luật Tài nguyên nước.
Đối với các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước không định kỳ, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất; tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất liên tỉnh và nội tỉnh; điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt; hoàn thành việc khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên phạm vi toàn quốc; hoàn thành việc xác định và công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước đối với các sông, đoạn sông liên tỉnh, liên quốc gia, các sông nội tỉnh trọng điểm về ô nhiễm nguồn nước và các sông, đoạn sông có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương.
Đối với các hoạt động điều tra cơ bản có tính chất đặc thù, kịp thời cung cấp các thông tin, số liệu hiện trạng về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, khí thải, chất thải khác vào nguồn nước; tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, nhiễm mặn nguồn nước; đánh giá, cảnh báo, dự báo tác động của biến đổi khí hậu với tài nguyên nước, diễn biến bất thường về số lượng, chất lượng các nguồn nước và các tác hại do nước gây ra.
Đến năm 2050 thông tin, số liệu, kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước được xử lý, lưu trữ trên cơ sở nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến theo chuẩn mực chung của quốc tế đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả, khai thác, sử dụng, bảo vệ bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.
Các giải pháp thực hiện
Để thực hiện mục tiêu trên, giải pháp thực hiện quy hoạch bao gồm:
Một là, hoàn thiện, đổi mới chính sách, cơ chế quản lý, cấp phát, quyết toán kinh phí đối với các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước phù hợp với Luật ngân sách theo hướng tăng cường xã hội hóa, nhà nước mua thông tin số liệu điều tra cơ bản tài nguyên nước từ các tổ chức, cá nhân và đảm bảo cơ chế đấu thầu, đặt hàng.
Hai là, xây dựng cơ chế quản lý, cấp vốn cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước bằng nguồn thu từ các hoạt động tài nguyên nước và phí sử dụng thông tin, số liệu tài nguyên nước.
Ba là, đổi mới, hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm điều tra cơ bản tài nguyên nước phù hợp với trình độ phát triển và năng lực công nghệ tiên tiến của các nước trong khu vực.
Bốn là, tập trung đầu tư nghiên cứu, lựa chọn các phương pháp, thiết bị, mô hình, công cụ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại có độ chính xác cao, sử dụng có hiệu quả trong công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước và phân tích, đánh giá, dự báo diễn biến tài nguyên nước.
Năm là, xây dựng danh mục các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước ưu tiên đầu tư theo hình thức xã hội hóa, đồng thời có cơ chế để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư theo hình thức công - tư để cung cấp dịch vụ công.
Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận các thành tựu khoa học công nghệ về điều tra, đánh giá, dự báo, giám sát tài nguyên nước của các nước tiên tiến, đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp, thiết bị, công nghệ, mô hình, công cụ phân tích, đánh giá hiện đại trong công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước. Ưu tiên hợp tác quốc tế đối với các quốc gia chung nguồn nước với Việt Nam.
Quyết định cũng nêu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện Quy hoạch này; tổ chức xây dựng và phê duyệt kế hoạch thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với các nguồn nước liên quốc gia, nguồn nước liên tỉnh, lưu vực sông liên tỉnh.
Đồng thời, phê duyệt và tổ chức thực hiện các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được phê duyệt trong kế hoạch và các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính chất đặc thù thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; đánh giá tiến độ, chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Quy hoạch. Công tác đánh giá được tiến hành định kỳ 05 năm một lần, báo cáo Chính phủ, làm căn cứ tiếp tục thực hiện.
Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải theo chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng và phê duyệt kế hoạch đối với việc điều tra, thống kế, tổng hợp tình hình sử dụng nước hàng năm, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để báo cáo theo quy định.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan để tổ chức rà soát, xây dựng và phê duyệt kế hoạch thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh.
Tổ chức thực hiện xây dựng nội dung quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên nước của địa phương lồng ghép trong nội dung Quy hoạch tỉnh theo quy định của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch và đảm bảo phù hợp với mạng lưới quan trắc tài nguyên nước Trung ương trong Quy hoạch này; phê duyệt và tổ chức thực hiện các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được phê duyệt trong kế hoạch; các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính đặc thù thuộc thẩm quyền của địa phương;…
Chi tiết Quyết định số 432/QĐ- TTg xin mời xem Tại đây