Một trong những nguồn vốn quý của CEFD là nguồn nhân lực. Ảnh: CEFD.

Trong những tháng đầu năm 2020, liên danh tư vấn Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường (CEFD), Công ty TNHH Tư vấn trường ĐH Thủy lợi và Công ty TNHH Tư vấn Tài nguyên nước và Môi trường Minh Long đã thực hiện gói thầu “Xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai cấp tỉnh gắn với quản lý lũ tổng hợp một số lưu vực sông khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” – thuộc hợp phần 2 của Dự án “Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung”(ENDRP) do World Bank tài trợ. Toàn bộ công việc của họ chỉ gói gọn trong vòng bảy tháng nhưng lại mất một tháng không thể đi thực địa vì Covid-19. Tuy gặp khó khăn như vậy nhưng mọi thứ vẫn diễn ra thông đồng bén giọt dưới sự điều phối của CEFD – thành viên đứng đầu liên danh, và với công cụ hỗ trợ đặc biệt - hệ thống tính toán hiệu năng cao với năng lực tính toán khoảng 25 teraflop, chỉ thua dàn máy tính của Viện KH Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT). “Nếu không có hệ máy tính này thì chúng tôi không thể vận hành được mô hình về các lưu vực sông theo nhiều kịch bản trong thời gian ngắn”, PGS. TS Trần Ngọc Anh, giám đốc CEFD, tự hào nhấn mạnh về một trong những tài sản đáng giá mà Trung tâm có được thông qua hỗ trợ nâng cao năng lực của Dự án FIRST (Bộ KH&CN).

Con đường lập nghiệp của CEFD, một đơn vị được hình thành trong lòng trường đại học có nền tảng nghiên cứu cơ bản về khoa học khí tượng, thủy văn, hải dương, thủy động lực học dày dặn bậc nhất Việt Nam, được đánh dấu bằng nhiều dự án như vậy. Thoạt nhìn bên ngoài thì không phải ai cũng thấy điều đó, “ngay cả những người phụ trách bên Dự án FIRST như bọn tôi cũng ngạc nhiên khi thấy CEFD bé nhỏ như vậy giữa những hồ sơ từ hơn 600 tổ chức KH&CN công lập gửi đến tiểu hợp phần 2a về tài trợ cho các tổ chức KH&CN công lập về KH, CN và đổi mới sáng tạo nhưng vẫn được chọn. Nhìn vào các tiêu chí cơ học để so sánh, nhân lực thì có khoảng 15 người, không thể cạnh tranh được với những viện có hàng trăm biên chế nhân lực; nguồn thu vào thời điểm đó mới khoảng 5 tỷ/năm, lại càng chênh lệch so với những đơn vị có hàng trăm tỷ/năm”, giám đốc Dự án FIRST Lương Văn Thắng đã chỉ ra trong phiên họp tổng kết dự án FIRST-CEFD “Hiện đại hóa hệ thống quan trắc và mô phỏng/dự báo các điều kiện khí tượng hải văn - môi trường biển và đới ven bờ độ phân giải cao phục vụ khai thác bền vững tài nguyên biển và giảm thiểu rủi ro thiên tai” (2017-2019) vào ngày 30/8/2019.

Vậy điều gì làm nên sức mạnh nội tại của CEFD và giúp họ thuyết phục được những đơn vị tài trợ “khó tính” trong xét duyệt hồ sơ như Dự án FIRST? “Tất cả những gì chúng tôi có ngày hôm nay là nhờ tự chủ”, PGS. TS. Trần Ngọc Anh giải thích ngắn gọn.

Áp lực của bài toán tự chủ 

Sự chật vật chuyển mình của các tổ chức KH&CN công lập từ cơ chế cũ sang cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm diễn ra trong những năm qua cho thấy thật khó để họ có thể thích ứng được với một môi trường mới. Trong bối cảnh đó, CEFD được hình thành như một “thử nghiệm” cho mô hình tự chủ. “Việc phải tự chủ từ trứng nước nghĩa là Trung tâm không những không nhận được bất cứ khoản đầu tư hay hỗ trợ nào về tài chính mà còn phải tự lo kinh phí cho mọi hoạt động của mình”, PGS. TS Trần Ngọc Anh kể về những thách thức Trung tâm phải tự giải quyết khi đi vào vận hành.  

Tuy vậy, điểm khởi đầu của CEFD không hoàn toàn là chỉ có thử thách. Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng không hẳn bắt Trung tâm tự xoay sở một mình mà dành cho Trung tâm sự độc lập cần thiết đi kèm tư cách pháp nhân, con dấu, địa điểm và nhất là sự ủng hộ về nhân sự. “Nếu các công ty khởi nghiệp thành lập từ gần như số không thì ở buổi đầu, chúng tôi gặp thuận lợi vì có ngay đội ngũ chuyên gia từ các nhóm nghiên cứu của khoa, của trường. Khi khoác lên tấm áo tự chủ là mình đã có sẵn đội ngũ này và có thể huy động sự hỗ trợ tùy theo tính chất của từng dự án. Do đó, Trung tâm không phải chịu gánh nặng lớn là chi trả tiền lương hằng tháng nhưng vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu công việc”, anh nói.


 PGS. TS Trần Ngọc Anh (phải), giám đốc CEFD và thành viên của Trung tâm bên cạnh hệ thống tính toán hiệu năng cao. Ảnh: Thanh An.

Với vốn khởi đầu khiêm tốn, CEFD khởi nghiệp một cách chật vật. Là người gắn bó với Trung tâm từ khi còn là thành viên cho đến lúc đảm nhiệm công tác quản lý, PGS. TS Trần Ngọc Anh cho rằng, những khó khăn ở giai đoạn đầu là lẽ đương nhiên nhưng khó khăn hay cơ hội trong quá trình phát triển của Trung tâm đều xoay quanh hai chữ “tự chủ”: “Nó là thách thức nhưng cũng là động lực để buộc mình phải chủ động đi tìm thị trường, tìm nguồn tài trợ để vận hành Trung tâm. Tất cả nó như câu chuyện ‘con gà và quả trứng’: không có năng lực thì không có dự án, không có dự án thì không phát triển được năng lực.

Ở thời điểm hiện tại, khi CEFD bắt đầu gặt hái được một số thành công và định hình vị thế của mình thì cảm giác nhìn về mọi chuyện diễn ra trong quá khứ cũng nhẹ nhõm hơn. Phác thảo một vài nét về nỗ lực cải thiện tình thế của Trung tâm, PGS. TS Trần Ngọc Anh vẽ ra một bức tranh dịch vụ ngành khí tượng thủy văn, tài nguyên môi trường…, nơi lính mới như CEFD “ra ngõ đã gặp núi Thái Sơn” như Viện KH Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Viện Quy hoạch Thủy lợi, Viện KH Thủy lợi Việt Nam (Bộ NN&PTNT), trường ĐH Thủy lợi… uy tín trong Nam ngoài Bắc. “Nếu đấu thầu một dự án thì CEFD không có điểm nào để so với các đơn vị này về nhân lực, nguồn vốn đối ứng, kinh nghiệm…”, anh đề cập đến lý do vì sao ở điểm xuất phát, Trung tâm lại chấp nhận làm những việc rất nhỏ “phụ của phụ” để tích lũy kinh nghiệm hoặc tìm kiếm “danh phận” trên thị trường. 

Trong cuộc “cạnh tranh” này, anh nhận thấy tự chủ chính là yếu tố giúp CEFD gỡ nút thắt “năng lực, thị trường”. “Ban đầu ai cũng thấy tự chủ là thách thức nhưng hóa ra khi triển khai công việc thì nó lại tạo ra thuận lợi: Trung tâm có thể tự quyết, tính linh hoạt rất cao và dám chấp nhận làm việc với điều kiện không tốt lắm”, anh nói. “Tự chủ tự chịu trách nhiệm” không đơn giản là chọn lấy những gói thầu có giá trị tương đối nhỏ mà còn là có gan chịu lỗ: “Không phải dự án nào của CEFD trước đây cũng có lãi, chúng tôi chịu lỗ nhiều chứ, ví dụ chọn những công việc có thể thấy ngay là lỗ như dự báo khí tượng thủy văn phục vụ vận hành hệ thống hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Người ta chỉ trả khoảng 80 triệu đồng/năm, chưa bằng tiền trả cho nhân viên đi làm ngoài giờ bởi thứ bảy chủ nhật cũng phải có bản tin dự báo và trực 24/24 trong những ngày mưa lũ. Nhưng CEFD vẫn quyết định nhận vì xác định là cần ‘danh phận’ ở đó. Nếu CEFD đã tư vấn được cho Ban chỉ đạo Phòng thống thiên tai Trung ương trong vận hành hồ chứa thì sao lại không thể tư vấn cho UBND các tỉnh, sao lại không dự báo được cho các chủ hồ”, lối suy nghĩ đó khiến Trung tâm tích lũy được kinh nghiệm và tăng cường năng lực giải quyết những bài toán thực tế. 

Từng bước từng bước một, Trung tâm đã dần khẳng định được mình trên thị trường. “Tôi cho rằng chính việc định hướng chọn thị trường miền Trung đã đem lại bước chuyển mình của CEFD”, PGS. TS Trần Ngọc Anh nhận định. Việc chịu khó đi xa, dám lăn lộn ở nơi có hệ thống sông ngòi ngắn và dốc, thường phát sinh lũ lụt lớn về mùa mưa nhưng lại dễ rơi vào cảnh không đủ nước sinh hoạt và sản xuất về mùa khô đã biến những thành viên của Trung tâm thành “thổ địa” thủy lợi miền Trung. “Bây giờ chúng tôi đều có thể trao đổi thoải mái với các địa phương về bất cứ địa danh hay công trình nào. Ở ngoài này, nói có sai một chút thì mấy ai biết được, rất khó để phát hiện ra nhưng ở trong đó, họ thấy ngay ‘chỗ nhà tôi ở bao nhiêu năm có ngập đâu mà ông nói ngập’. Hiểu biết đó cũng phản ánh chất lượng sản phẩm mà chúng tôi làm ra”, anh nói. Đây cũng là nguyên nhân khi đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu cơ sở khoa học để xác định cơ chế bồi lấp, sạt lở và đề xuất các giải pháp ổn định các cửa sông Đà Diễn và Đà Nông tỉnh Phú Yên phục vụ phát triển bền vững cơ sở hạ tầng và KTXH” (Bộ KH&CN) còn chưa kết thúc thì giải pháp chống bồi lấp, sạt lở nhằm ổn định vùng cửa sông, thoát lũ và bảo vệ môi trường sinh thái của nhóm khoa học CEFD đề xuất đã được Phú Yên áp dụng.

Bước ngoặt từ Dự án FIRST

Đánh giá các mốc phát triển của CEFD, không chỉ ban giám đốc mà các thành viên  đều cho rằng, Trung tâm có được bước ngoặt từ tiểu dự án nâng cao năng lực do FIRST tài trợ. Điểm khác biệt của CEFD so với các đơn vị nhận được gói tài trợ tương tự từ Dự án FIRST chính là việc CEFD đã tự chủ ngay từ đầu. Vậy CEFD cần gì ở FIRST khi đã có sẵn tiêu chuẩn đó? “Đúng là không có FIRST thì CEFD vẫn tự chủ nhưng điều quan trọng ở đây là Trung tâm nhận được hỗ trợ để nâng năng lực lên một mức mới”, PGS. TS Trần Ngọc Anh không khỏi tự hào khi nhắc đến thành quả thu được từ tiểu dự án: hệ thống tính toán hiệu năng cao 25 teraflop và hệ thống radar di động ven bờ quan trắc sóng và dòng chảy biển độ phân giải cao với tầm quét từ 30-200 km – một trong những hệ thống hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực này. “Một đơn vị quy mô trung bình như CEFD thôi mà có được những ‘vũ khí đặc chủng’ như vậy thật đáng tự hào. Bây giờ chúng tôi có thể tự tin trong hợp tác với nhiều đối tác quốc tế, ngay cả Deltares (Hà Lan), nơi phát triển công nghệ dự báo về nước với 170 tổ chức trên thế giới sử dụng, cũng cảm thấy ngạc nhiên trước năng lực này của Trung tâm”, anh nói đến những thành quả mà Dự án FIRST đem lại.


PGS. TS Trần Ngọc Anh trình bày kết quả về gói thầu “Xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai cấp tỉnh gắn với quản lý lũ tổng hợp một số lưu vực sông khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”. Ảnh: CEFD

Tuy nhiên, cũng có những hiệu quả mà Dự án FIRST đem lại không thể định lượng hết giá trị. “Nếu chỉ tính ra tiền ngay thì với số tiền đối ứng trong Dự án FIRST, CEFD có thể đầu tư vào một số dự án khác và thu được nhiều hơn, nhưng điều thu được từ tiểu dự án FIRST có giá trị hết sức lâu dài, vốn ‘ẩn’ trong yếu tố ít thấy được ngay như chất lượng nguồn nhân lực”, PGS. TS Trần Ngọc Anh đánh giá. Đi kèm với các hệ thống đó là các thành viên của CEFD, những người tiếp nhận máy móc và triển khai ứng dụng các mô hình mô phỏng có độ phân giải cao theo chế độ nghiệp vụ như mô hình dòng chảy, nhiệt muối và môi trường nước ba chiều (ROMS). Trong quá trình thực hiện tiểu dự án FIRST, CEFD đã hợp tác với các tác giả phát triển mô hình ROMS ở Đại học Rutgers (Mỹ) để họ hướng dẫn nâng cao năng lực sử dụng mô hình cho các nhà nghiên cứu. Bên cạnh đó, cũng có thành viên được huấn luyện về xử lý số liệu quan trắc sóng và dòng chảy, yếu tố rất quan trọng trong việc tạo các bộ dữ liệu cũng như cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các mô hình tính toán. 

Dù tự nhận là chưa khai thác hết những điểm lợi từ Dự án FIRST nhưng CEFD đã đủ tự tin nghĩ về hình ảnh của mình trong tương lai. Trên trang web của Trung tâm, những dòng mong ước về một hình ảnh của mình năm năm tới đã được họ mạnh dạn viết ra như một điểm mốc có thể đạt: Đến năm 2025 trở thành đơn vị hàng đầu Việt Nam và có uy tín ở Đông Nam Á về giảm thiểu rủi ro thiên tai và quản lý tài nguyên, môi trường bền vững theo hướng phát triển xanh.

Khi chưa đạt được mơ ước đó thì CEFD đã làm một điều mà ít đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khí tượng thủy văn đạt được, đó là thay đổi nhận thức của một số nhà quản lý. “Chúng tôi khá bất ngờ là ngoài tính công ích, phục vụ cộng đồng, hỗ trợ các nhà quản lý đưa ra những quyết sách giúp ngăn ngừa rủi ro thiên tai thì những hoạt động trong lĩnh vực này còn có thể tạo ra nguồn tiền. Hồ sơ của CEFD đã thuyết phục được hội đồng đánh giá của FIRST rằng, khi làm chủ được công nghệ dự báo và có trong tay dữ liệu… thì những nơi như CEFD hoàn toàn có thể kinh doanh theo cách như vậy”, ông Lương Văn Thắng đề cập đến một trong bốn lý do khiến FIRST lựa chọn Trung tâm để tài trợ nâng cao năng lực. Quan điểm này của CEFD cũng nhận được sự đồng thuận của PGS. TS Vũ Văn Tích, Trưởng ban KH&CN (ĐHQGHN), “Đây là một hướng đi rất hiện đại của các nước lớn trong khu vực như là Nhật Bản, Hàn Quốc,… từng áp dụng. Tôi nghĩ rằng tới đây sẽ có rất nhiều doanh nghiệp và các đối tác quốc tế sẽ phải sử dụng dữ liệu từ trung tâm này để làm cơ sở thực hiện các nghiên cứu cũng như hoạt động kinh tế trong một số địa phương”. 

Đó cũng là điều mà CEFD ấp ủ nhiều năm. “Thông qua hoạt động của Trung tâm, chúng tôi mong muốn thay đổi cái nhìn của mọi người trong xã hội về ngành này. Lâu nay, người ta vẫn nghĩ rất đơn giản về ngành khí tượng thủy văn… Không chỉ là chuyện dự báo lũ lụt thôi đâu, thực ra, ngành này có thể đóng góp cho xã hội nhiều hơn thế”, PGS. TS Trần Ngọc Anh thoáng trầm ngâm khi nói về những cách hiểu chưa đúng vẫn tồn tại trong xã hội. Trong nhiều năm qua, nỗ lực của CEFD không chỉ là đạt được các gói thầu và nuôi sống trung tâm mà còn hướng đến việc giới thiệu những giá trị đóng góp của ngành... “Nếu không áp dụng vào những dự án đó thì các mô hình vẫn chỉ là để phục vụ nghiên cứu cơ bản thôi, chúng tôi muốn góp phần triển khai nó để đáp ứng những nhu cầu thực tế của các địa phương, các đơn vị. Có vậy mọi người mới biết đến giá trị của khí tượng thủy văn”.
***
Có thể cần nhiều năm để thay đổi quan niệm của mọi người về một ngành, một lĩnh vực nhưng hơn ai hết, những người ở CEFD đã thấy hệ quả của nó đã hiện hữu: nhiều năm gần đây, các chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Khí tượng, Tài nguyên và Môi trường nước, và Hải dương học của trường ĐH Khoa học tự nhiên đều không đạt, thậm chí, có năm không tuyển được sinh viên. Vậy điều này có liên quan gì đến CEFD, một đơn vị tưởng chừng thuần túy thực hiện các dịch vụ? PGS. TS Trần Ngọc Anh thành thật chia sẻ khó khăn mới của CEFD, “dù đã tự chủ song CEFD vẫn là một đơn vị trong trường đại học và vẫn liên quan đến các hoạt động đào tạo. Mặt khác, việc ít tuyển được sinh viên cũng ảnh hưởng đến trung tâm bởi hiện giờ khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là vấn đề nhân sự. Không tuyển được người nên chúng tôi phải ‘chào mời’ các bạn trẻ từ năm thứ thứ hai, thứ ba và sẵn sàng đầu tư nâng cao năng lực cho các bạn ấy”.

Một lần nữa, bài toán tự chủ đem thách thức đến cho CEFD. “Chúng tôi xác định muốn tự chủ tốt hoặc giữ được vị trí tốt trên thị trường thì cần có con người đủ năng lực. Ở đây đầu tư cho con người rất nhiều, chúng tôi vẫn thường xuyên cử các bạn tham gia các khóa nâng cao, ví dụ với bộ công cụ mô hình MIKE, một phần mềm thương mại hay được Trung tâm sử dụng, thường được đơn vị phát triển là Viện Thủy lực Đan Mạch cập nhật. Mỗi khi họ mở khóa học về mô hình cập nhật là trung tâm lại không nề hà kinh phí để cử người tham gia”, anh nói. Câu chuyện đào tạo thông qua các dự án và khóa học như vậy khiến “nhiều người hỏi tôi là ‘đào tạo mỗi người như thế mất khá nhiều thời gian và tiền bạc, anh có cơ chế nào giữ người không? Nhỡ đâu họ sang công ty đối thủ cạnh tranh thì sao?’ Chúng tôi làm dự án để phát triển chính ngành của mình nên một trong những nhiệm vụ là đào tạo con người. Có sản phẩm được nơi nào đó ‘mua’ cao hơn giá của mình thì tốt chứ”, PGS. TS Trần Ngọc Anh lạc quan về câu chuyện nhân sự của CEFD.

Tinh thần lạc quan và tin tưởng vào giá trị mang lại từ công việc đã lan tỏa đến các thành viên của CEFD. Ngay trong buổi chiều làm việc với Tia Sáng, cả mấy phòng làm việc nhỏ xinh của CEFD ở trường ĐH Khoa học tự nhiên đều tất bật đóng gói máy móc thiết bị, chuẩn bị cho chuyến công tác cuối tuần ở Cần Giờ, TPHCM theo lời mời của đối tác Deltares. “Đấy, tân thạc sĩ Trần Quang Vinh buổi sáng mới bảo vệ luận văn, buổi chiều đã nhận quyết định đi công tác với các đồng nghiệp quốc tế. Ở đây, mọi người lúc nào cũng sẵn sàng cho những việc cấp tập như thế”, PGS. TS Trần Ngọc Anh mỉm cười.

Nguồn: Báo Tía Sáng

https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Trung-tam-Dong-luc-hoc-Thuy-khi-Moi-truong-DH-Khoa-hoc-tu-nhien-DHQGHN-Go-rao-can-bang-tu-chu-25468