Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: Làm sao hai ĐHQG thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học đầu đàn, gắn bó chặt chẽ với viện nghiên cứu của các bộ, ngành, hai viện Hàn lâm, các trường đại học và đặc biệt là các doanh nghiệp? Hai ĐHQG phải gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo chất lượng cao, “với trách nhiệm của mình phải đi trước một bước mạnh mẽ hơn”.
Cơ chế thử nghiệm để đột phá
Một trong những vướng mắc được đại diện hai ĐHQG và nhiều ý kiến đề xuất cơ chế thí điểm tháo gỡ là những vấn đề liên quan đến huy động các nguồn nhân lực khoa học bên ngoài cũng như huy động, sử dụng nguồn lực phát triển, sử dụng tài sản công… hiện đang bị ràng buộc bởi nhiều quy định hiện hành.
Đại diện hai ĐHQG cũng mong muốn được Bộ KH&CN cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm đối với một số nội dung về KHCN như khai thác và thương mại hoá kết quả nghiên cứu; khoán sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước trên nguyên tắc phép thử sai, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong khoa học…
GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng cần phải tạo ra sự thống nhất với mô hình quản lý nhằm tối ưu hoá, khai thác thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực của các trường thành viên của hai ĐHQG.
“Một trong những mục tiêu khi thành lập hai ĐHQG là trở thành những trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước, muốn vậy các ĐHQG phải được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia vào các chương trình KHCN trọng điểm để khai thác tối đa nguồn nhân lực khoa học rất lớn của hai ĐHQG”, GS.TS Trần Hồng Quân trao đổi.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch tập đoàn Thaco cho rằng nhất định phải có nghiên cứu cụ thể về các vấn đề pháp lý đang vướng mắc để có những đề xuất tháo gỡ rất cụ thể.
“Chúng ta không thể nói chung chung trong nghiên cứu khoa học. Cái để tạo ra tài chính, có hiệu quả chính là nghiên cứu khoa học ứng dụng chuyển giao ngay cho DN. Cộng đồng cựu sinh viên là nguồn lực có rất nhiều tiềm năng để hỗ trợ các trường đại học phát triển không chỉ về cơ sở vật chất mà cả kinh nghiệm, định hướng phát triển”, ông Trần Bá Dương chia sẻ.
Nói về những vướng mắc trong hỗ trợ các chương trình nghiên cứu khoa học của ĐHQG TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng phải thay đổi quan điểm, nghiên cứu KHCN phải có rủi ro, yếu tố bất ngờ mới có thể tạo ra những giá trị đột biến chứ không thể cứ chặt chẽ, chỉ hỗ trợ cho những đề tài nghiên cứu an toàn. TPHCM có chủ trương nâng gấp đôi kinh phí ngân sách dành cho phát triển KHCN trong nhiệm kỳ này nhưng vướng rất nhiều về cơ chế tài chính và cần có cơ chế thử nghiệm cho một số trường đại học, một số cơ sở.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi mở TPHCM lựa chọn những nhiệm vụ nghiên cứu KHCN mũi nhọn, có đề tài do Bộ KH&CN hỗ trợ, có đề tài do UBND TPHCM hay từ các nguồn khác tại trợ để để đề nghị thí điểm, sau đó đúc kết để nhân rộng. Có hai điểm đáng lưu ý là phải chấp nhận nguyên tắc rủi ro trong khoa học, tin các nhà khoa học thay vì quản lý theo hướng chống thất thoát.
Trên tinh thần đó, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT cần khẩn trương nghiên cứu, có cách nghĩ mới, cách làm mới, làm sao để nguồn lực KHCN đã ít nhưng được phân bổ cho những nơi có năng lực nghiên cứu thật sự.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định hai ĐHQG là một phần rất quan trọng của hệ thống giáo dục, vì vậy, Bộ GD&ĐT luôn nhất quán quan điểm tăng cường sức mạnh, tính tự chủ và tạo ra “giá trị gia tăng” mới cho hai ĐHQG, trong đó đặc biệt là tính tự chủ cao và thí điểm mô hình nghiên cứu KHCN mới. Điều quan trọng là bản thân hai ĐHQG phải đề ra những quy định rất cụ thể ngay trong quy chế hoạt hoạt động nội bộ của mình để thực hiện tự chủ.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, để khai thác, phát huy được đội ngũ nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT thống nhất quan điểm tổ chức, phát triển, đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học từ tiêu chí xác định đến cơ chế giao nhiệm vụ KHCN…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ KH&CN tổng hợp, sau đó công khai, minh bạch tất cả các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN của Trung ương, địa phương để những nhà khoa học, tổ chức, đơn vị nghiên cứu có năng lực thì thực hiện.
Xứng tầm ĐHQG của đất nước 100 triệu dân
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại một trong những mục đích ban đầu đặt ra khi thành lập 2 ĐHQG là phải trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo chất lượng cao. Công bố xếp hạng mới nhất vừa qua, ĐHQG Hà Nội nằm trong tốp 500 trường ĐH hàng đầu thế giới, đặc biệt chỉ số chất lượng đào tạo nằm trong tốp 100. ĐHQG TPHCM cũng có những tiến bộ rất lớn. Công tác nghiên cứu khoa học cũng có những bước tiến lớn cả về số lượng lẫn chất lượng các công bố khoa học quốc tế, có những chương trình nghiên cứu ra được các sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài để xứng tầm ĐHQG của một đất nước 100 triệu dân.
“Hai ĐHQG không thành trung tâm nghiên cứu mạnh thì ai có thể làm được?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và đề nghị lãnh đạo hai ĐHQG, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT phải bàn bạc, đề ra lộ trình trong 5 năm tới có bước phát triển đúng hướng, chắc chắn, tương đối dài để chuẩn bị cho 10 năm tiếp theo nhất định phải trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu ở tầm quốc tế. Điều này đòi hỏi cơ chế đồng bộ từ huy động nhân lực trình độ cao ở bên ngoài đến đặt hàng của các địa phương, bộ ngành, … Nếu đạt được mục tiêu như vậy thì hai mục tiêu là cơ chế quản trị tự chủ và môi trường mô phạm, văn hoá của hai ĐHQG sẽ thực hiện được.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ chế tự chủ ở hai ĐHQG với “hồn cốt” là phát huy tính sáng tạo, trách nhiệm về khoa học, học thuật đến từng bộ phận, giảng viên, sinh viên. Chúng ta phải nghiêng về phía ủng hộ cho sự sáng tạo nếu có xung đột với việc giữ quản lý, điều hành thống nhất của ban giám đốc, của đại học lớn với bên dưới.
Hai ĐHQG cũng phải chủ động đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế như tiếp nhận giáo viên, nhà khoa học, giao lưu sinh viên quốc tế đến từ các nước tiên tiến, trường nổi tiếng; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế.
Hai ĐHQG cần chọn ra một số lĩnh vực thực sự có thể làm được để hình thành nhiều nhóm nghiên cứu mạnh với cơ chế thử nghiệm trên tinh thần huy động nguồn lực cả nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội.
“Hai ĐHQG phải mạnh dạn tự chào hàng với các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp về các nhiệm vụ KHCN hay các bài toán đặt ra trong thực tiễn, qua đó, không chỉ nâng lên uy tín mà còn tăng cường mối liên hệ với doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị cụ thể như tổ chức cuộc làm việc định kỳ giữa lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT với hai ĐHQG, hai Viện Hàn lâm; các cơ chế thử nghiệm đột phá về nghiên cứu, đào tạo; địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ, đề tài KHCN; chính sách học phí; thu hút tài trợ, đóng góp của cựu sinh viên, không chỉ tài chính mà cả sự động viên tinh thần, khơi dậy niềm tự hào của những người đã từng học tập tại trường, …
Đình Nam - Cổng TTĐT Chính phủ
Nguồn: https://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N28018/Hai-dai-hoc-Quoc-gia-di-truoc-mot-buoc-trong-dao-tao-va-nghien-cuu.htm