Một số góc nhìn đề xuất định hướng phát triển bền vững năng lượng tái tạo Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện sóng, điện hải lưu) rất lớn. Tuy nhiên, chuyên gia của Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Bước đi còn khá chậm chạp, đồng thời đề xuất một số giải pháp định hướng phát triển bền vững nguồn năng lượng này của Việt Nam trong tương lai tới.
DƯ VĂN TOÁN - VIỆN NGHIÊN CỨU BIỂN VÀ HẢI ĐẢO, TỔNG CỤC BIỂN VÀ HẢI ĐẢO (BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG)
Năm 2020 - Đánh thức năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có chủ trương phải xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.
Đặc biệt, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.
Ngoài ra, cần phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.
Theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 22/5/2020, giá mua điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent, điện mặt trời 7,09 cent, điện mặt trời nổi 7,69 cent. Theo đó, thời hạn ký hợp đồng tối đa là 20 năm kể từ ngày vận hành phát điện. Đây là “cú hích” lớn cho các nhà đầu tư hệ thống điện mặt trời trong thời gian gần đây.
Công suất điện mặt trời hiện nay đóng góp đến gần 24% tổng công suất nguồn điện. Tổng công suất điện mặt trời đã lắp đặt vào khoảng 19.400 MWp, tương đương 16.500 MWac. Theo số liệu thống kê, toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm 2020 là 10,6 tỷ kWh (trong đó riêng điện mặt trời mái nhà là 1,16 tỷ kWh), chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia.
Như vậy, năm 2020, Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về tổng công suất điện mặt trời 19.400 MWp.
Năm 2018, theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg giá điện gió trong đất liền là 1.927 đồng/kWh, tương đương 8,5 Uscent/kWh; điện gió trên biển là 2.223 đồng/kWh, tương đương 9,8 Uscent/kWh. Giá điện này được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Hiện nay, đến hết 2020, tổng công suất các nhà máy điện gió đạt 630 MW - còn tương đối nhỏ, nhưng cơ hội phát triển sau năm 2021 còn rất nhiều, đến hàng trăm GW.
Tài nguyên điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đã được nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế quan tâm. Năm 2020, Ngân hàng Thế giới đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam đến năm 2050 với tổng công suất là 70 GW (trong đó đến năm 2030 là 10 GW), với sản phẩm nội địa hóa 70%.
Phân bố công suất điện gió ngoài khơi được các tỉnh đề xuất:
TT |
Tỉnh |
Đã đăng ký (MW) |
1 |
Cà Mau |
7.317 |
2 |
Bạc Liêu |
3.717 |
3 |
Sóc Trăng |
6.307 |
4 |
Trà Vinh |
6.208 |
5 |
Bến Tre |
6.561 |
6 |
Tiền Giang |
881 |
7 |
Bà Rịa - Vũng Tàu |
1.463 |
8 |
Bình Thuận |
22.200 |
9 |
Ninh Thuận |
4.882 |
10 |
Bình Định |
2.000 |
11 |
Quảng Bình |
300 |
12 |
Hà Tĩnh |
1.091 |
13 |
Thái Bình |
300 |
14 |
QH điện 7 |
5.000 |
Hình 1. Lộ trình giá thành quy dẫn - LCOE điện gió từ 2012 - 2020.
Lộ trình LCOE điện gió từ 2012 - 2020 giảm 14%/năm tạo cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi với LCOE năm 2020 là 78 USD/MWh, có thể cạnh tranh với các nguồn điện khác. Nguồn điện gió ngoài khơi, với tiềm năng 70 GW sẽ đóng góp quan trọng trong an ninh năng lượng, đồng thời là mắt thần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Một số góc nhìn đề xuất định hướng phát triển bền vững năng lượng tái tạo
Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn. Để phát triển bền vững năng lượng tái tạo, chúng ta đã có chính sách vĩ mô về phát triển năng lượng tái tạo của Đảng và Chính phủ.
Đồng thời, thực tiễn Việt Nam đã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng tái tạo đã tạo ra sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời, điện gió, điện gió biển gần bờ, điện gió ngoài khơi đăng ký trong năm 2020.
Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện hóa chiến lược phát triển các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện sóng, điện hải lưu ở nước ta đang tiến từng bước khá chậm, hoặc chưa thật sự tương xứng với tiềm năng hiện có do những rào cản nhất định, khó khăn về chính sách, văn bản pháp lý, quy hoạch đất đai, quy hoạch không gian biển, tiêu chuẩn kỹ thuật, kinh phí và nhân lực, đường truyền tải, giá cả. Ngoài ra, vấn đề xử lý chất thải từ các tấm panel điện mặt trời và cánh tua bin gió bị hỏng hoặc cuối đời dự án vẫn chưa được xác định rõ...
Để phát triển năng lượng tái tạo bền vững sau từ 2021, cần xem xét một số vấn đề sau:
Thứ nhất: Nghiên cứu, xây dựng ban hành Luật Năng lượng tái tạo Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở pháp lý và chính sách phát triển năng lượng tái tạo nói chung và cụ thể chi tiết các phân ngành năng lượng tái tạo như: Điện mặt trời (công nghiệp, mái nhà, nổi…), các phân ngành điện gió (trên bờ, móng cố định biển nông gần bờ, móng cố định ngoài khơi, nổi ngoài khơi...), điện sóng, điện hải lưu, điện sinh khối, tích hợp các loại nguồn…
Thứ hai: Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, lộ trình trung hạn, dài hạn phát triển từng phân ngành điện mặt trời, điện gió với những chỉ tiêu cụ thể trong từng giai đoạn phát triển kinh tế.
Thứ ba: Cần sớm ban hành chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi đặc thù của Việt Nam với tầm nhìn dài hạn 30 đến 50 năm để đón nhận sự dịch chuyển công nghệ, tài chính điện gió ngoài khơi từ châu Âu đã hoàn thiện và thực hiện chủ trương đồng thời 2 nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng (số 36-NQ/TW năm 2018 và nghị quyết 55-NQ/TW năm 2020).
Thứ tư: Xác định nghiên cứu triển khai về năng lượng tái tạo là nhiệm vụ khoa học công nghệ ưu tiên, được đầu tư mạnh mẽ, thông qua các chương trình khoa học công nghệ quốc gia về phát triển các phân ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt quan tâm công nghệ thu gom, xử lý tái chế các tấm pin mặt trời, tua bin gió; cơ chế tài chính xanh, các bon xanh cho phát triển năng lượng tái tạo.
Thứ năm: Tăng cường đào tạo nguồn nhân lưc khoa học công nghệ về năng lượng tái tạo.
Thứ sáu: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo và khoa học công nghệ năng lượng tái tạo và tham gia các chương trình, hiệp định về hệ thống năng lượng mặt trời, hệ thống năng lượng gió, hệ thống năng lượng đại dương của Cơ quan năng lượng quốc tế IEA.
Thứ bảy: Xây dựng Báo cáo quốc gia hàng năm về ngành năng lượng tái tạo./.
(Nguồn: http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nhan-dinh-phan-bien-kien-nghi/phan-bien-kien-nghi/mot-so-goc-nhin-de-xuat-dinh-huong-phat-trien-ben-vung-nang-luong-tai-tao-viet-nam.html)